Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu hoa tươi của Việt Nam đạt 6,3 triệu USD, tăng 17,9% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hoa đạt 57,9 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu hoa cúc trong tháng 10 đạt trên 5,1 triệu USD, tăng 19,6% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu hoa cúc đạt hơn 47,8 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ, Hoa cúc trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, chiếm 82,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hoa tươi trong 10 tháng qua.
Tiếp sau là hoa lan hồ điệp, giá trị xuất khẩu trong 10T/2023 đạt 4,6 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 8%. Mặt hàng hoa cát tường, hoa cẩm chướng, hoa hồng xuất khẩu sụt giảm với kim ngạch lần lượt là 1,48 triệu USD, 1,3 triệu USD và 0,66 triệu USD.
Có độ bền cao và giá cả cạnh tranh hơn nhiều so với hoa Hà Lan, hoa của Việt Nam ngày càng được chuộng ở thị trường thế giới. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan, gần đây Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đẩy mạnh nhập hoa từ Việt Nam.
Riêng đối với thị trường Nhật Bản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng hoa lớn thứ 6 cho Nhật Bản trong tháng 1/2022, đạt 352,1 triệu Yên (tương đương 2,8 triệu USD). Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 7,7% tổng trị giá nhập khẩu trong tháng 1/2022.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các loại hoa Nhật Bản nhập khẩu nhiều từ Việt Nam là cẩm chướng, hoa cúc, hoa ly, hoa lan và hoa hồng. Đáng chú ý, tuy hoa cúc là quốc hoa của Nhật Bản nhưng điều kiện khí hậu và chi phí nhân công cao khiến việc trồng hoa cúc ở Nhật Bản không phát triển mạnh. Ngược lại, Việt Nam đang có những lợi thế rất đặc biệt cùng với lợi thế về khoảng cách đã giúp hoa cúc Việt Nam dễ dàng đến Nhật Bản hơn.
Tại Nhật Bản, số lượng người dân đến từ các nước châu Á hiện đang sinh sống và làm việc lên tới 10 triệu người, đồng thời số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua.
Do vậy, hàng rau quả nhập khẩu nói chung và hoa tươi nói riêng từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam và người dân các nước châu Á khác đón nhận và tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản.
Trưởng phòng các sản phẩm trồng trọt, Công ty Bán lẻ AEON tại tỉnh Chiba (Nhật Bản) từng cho biết, khoảng 40% hoa trong siêu thị là hoa nhập khẩu. Các loại hoa nhập khẩu từ Việt Nam được người Nhật Bản ưa chuộng nên doanh số bán hàng tương đối tốt.
Australia cũng là một trong những thị trường truyền thống quan trọng đối với sản phẩm hoa xuất khẩu của Việt Nam suốt hơn 23 năm qua. Sản lượng xuất khẩu mỗi năm đạt gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, mang lại doanh thu 5,2 triệu USD/năm.
Ở nước ta hiện có nhiều vựa hoa tươi lớn. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2021, cả nước có khoảng 45 nghìn ha tập trung chuyên canh trồng hoa cây cảnh, phân bố đều ở cả hai miền. (Số liệu này chưa bao gồm diện tích hoa cây cảnh trồng phân tán tại các hộ gia đình).
Tỉnh Lâm Đồng được xem là vùng đất vàng để phát triển các loại hoa nhiệt đới và ôn đới trong cả nước do điều kiện thời tiết và đất đai lý tưởng. Nhu cầu về hoa cây cảnh trên thị trường ngày càng tăng mạnh, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng thị phần.