Từ ngày 7/7, VnSky - mạng di động thuộc hệ sinh thái VNPAY chính thức ra mắt trên phạm vi toàn quốc với đầu số 0777. Mạng di động này đã từng có thời gian thử nghiệm tại Nghệ An.
Khác với các nhà mạng truyền thống, mạng di động ảo (MVNO) không sở hữu hạ tầng, mà cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách mua lưu lượng từ đơn vị có sẵn, sau đó bán lẻ cho người dùng. Trong trường hợp của VnSky, nhà mạng sử dụng hạ tầng từ MobiFone và dự kiến có thể mở rộng thêm các đối tác khác trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc VnSky cho biết sự bùng nổ của những nền tảng kết nối, học tập, giải trí và kinh doanh online kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu di động ngày càng cao. Điều này khiến việc dùng một sim có thể không đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng.
"Việc thừa hưởng lợi thế về hạ tầng viễn thông sẵn có giúp nhà mạng có vùng phủ sóng trên toàn quốc ngay lập tức. Nhà mạng sẽ tập trung nguồn lực vào nghiên cứu, phát triển những dịch vụ số và viễn thông", ông Dũng nói.
Ngay khi ra mắt, VnSky đặt mục tiêu có 5 triệu người dùng năm 2025 và trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn nhất Việt Nam, với trọng tâm là trải nghiệm số của khách hàng. Mạng di động này sẽ kết hợp với những dịch vụ trong hệ sinh thái VNPAY như VnPay-QR, VnShop, VnTaxi… để mang tới cho khách hàng những sản phẩm khác biệt.
Ngoài VnSky, thị trường Việt Nam có ba nhà mạng di động ảo đang hoạt động gồm iTel (đầu số 087) và Reddi (đầu số 055), Local (đầu số 089) hợp tác cùng Vinaphone và MobiFone. Trong tháng 6, FPT Retail cũng đã có giấy phép mạng di động ảo, dự kiến hợp tác với MobiFone để cung cấp dịch vụ.
Theo thống kê của Cục Viễn thông tính đến hết tháng 4, các nhà mạng di động ảo ở Việt Nam thu hút được 2,56 triệu thuê bao, chiếm 2,1% tổng thuê bao di động. Ngoài ra, thị trường đang có 5 doanh nghiệp viễn thông sở hữu hạ tầng và tần số gồm VinaPhone, Viettel, MobiFone, Vietnammobile, Gtel.
VNPAY, chủ sở hữu của mạng di động VnSky là đơn vị cung cấp các giải pháp thanh toán bằng mã QR trên thiết bị di động. Đi theo hướng phát triển có phần khác biệt so với những doanh nghiệp trung gian thanh toán khác, VNPAY đã cung cấp tính năng thanh toán QR Pay trên nền ứng dụng mobile banking của 40 ngân hàng, trong đó có nhiều nhà băng lớn như: BIDV, Vietcombank, VietinBank, VPBank,...
Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPAY chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau VNG, tức là startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. VNPAY được cho là chính thức đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC.
Theo dữ liệu tìm hiểu, doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2016-2019 của VNPAY đã bỏ xa so với nhiều ví điện tử khác.
Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 12.364 tỷ đồng, tăng 57% so với với năm 2018. Tuy nhiên, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhanh khiến lợi nhuận của VNPAY chỉ đạt 35,4 tỷ đồng trong năm 2019, giảm 77% so với năm trước đó.