Một doanh nghiệp của Việt Nam đưa ra phương pháp phát hiện giao dịch "bất thường" khi mua bán tiền ảo

Hải Sơn | 13:29 28/09/2023

Tiền mã hoá tại Việt Nam chưa có quy định pháp lý rõ ràng nên để có giải pháp ngăn chặn rất khó. Tuy nhiên, một số công ty tư nhân và Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đã có những giải pháp nhất định để có thể tìm và phát hiện ra các hoạt động đáng ngờ về rửa tiền thông qua tiền mã hoá (tiền ảo).

Một doanh nghiệp của Việt Nam đưa ra phương pháp phát hiện giao dịch "bất thường" khi mua bán tiền ảo
Binance.com có gần 42 triệu lượt truy cập từ Việt Nam giai đoạn 1/10/2021 – 1/10/2022.

Tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Gần 24 tỷ USD tiền mã hóa đã được “rửa” trong năm 2022

Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, theo một số liệu từ Chainalysis được Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ gần đây trong một chương trình tập huấn tại Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam cuối tháng 8/2023, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 – 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ 1/10/2021 – 1/10/2022.

Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

Để xoá dấu vết dòng tiền đáng ngờ mua tiền ảo, hiện có máy trộn tiền mã hóa (Crypto mixer): Mixer là một công cụ xóa dấu vết dòng tiền bằng thuật toán xáo trộn các khoản tiền hợp pháp và phi pháp. Các máy trộn này có thể ẩn thông tin giao dịch và không yêu cầu người dùng phải tuân thủ KYC.

Hiện các Mixer phổ biến có thể kể đến Tornado Cash, ChipMixer, JoinMarket, SamouriWallet...

Theo ông Kim Grauer - Giám đốc nghiên cứu tại Công ty Chainalysis cho biết; mỗi ngày các công cụ này có thể “trộn” khoảng 30 triệu USD tiền số và tỷ lệ “tiền bẩn” được xử lý qua công cụ này đã tăng từ 10% của năm 2021 lên 24% của năm 2022.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, năm 2022, máy trộn đã “giúp tội phạm che đậy dòng tiền di chuyển hoặc nguồn gốc của tiền, tạo ra các rào cản mới cho điều tra viên”.

Gần 24 tỷ USD tiền mã hóa đã được “rửa” chỉ trong năm 2022, tăng 68% so với năm trước đó, theo báo cáo của Chainalysis.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn chuyển qua sàn giao dịch tập trung (CEX) . Thực tế, các sàn giao dịch tập trung là nơi nhận các nguồn tiền bẩn nhiều nhất, chiếm khoảng 50% tổng khối lượng giao dịch bất hợp pháp trong 5 năm gần đây

Theo Ciphertrace.com, các sàn giao dịch tiền mã hoá tập trung là nơi nhận các nguồn tiền không rõ nguồn gốc nhiều nhất, chiếm khoảng 50% tổng khối lượng giao dịch bất hợp pháp. Các sàn giao dịch của Mỹ đã gửi trực tiếp số BTC trị giá 41,2 triệu USD cho bọn tội phạm vào năm 2020.

Đặc biệt, các sàn giao dịch có quy trình KYC yếu trở thành nơi hấp dẫn cho tội phạm. Sau khi giao dịch xuyên chuỗi và chuyển một số tiền bị đánh cắp của họ sang một máy trộn, kẻ lừa đảo sẽ gửi phần còn lại của số tiền bất chính đến một loạt tài khoản tại một sàn giao dịch rủi ro cao có trụ sở tại một nước khác.

Làm thế nào để phát hiện được hoạt động rửa tiền?

Nhiều câu hỏi đặt ra, làm thế nào để phát hiện được hoạt động rửa tiền của các đối tượng phạm tội, đáng ngờ.

Theo ông Phan Quốc Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam; để phát hiện hoạt động rửa tiền cần phải bắt đầu KYC các địa chỉ ví blockchain trên các sàn giao dịch tập trung. Sử dụng các công cụ theo dõi giao dịch on-chain như Chainalysis, Certik. Bước tiếp theo xác thực và báo cáo giao dịch bất thường lên các cơ quan chức năng liên quan.

Cụ thể, các sàn giao dịch tập trung phải báo cáo các giao dịch bất thường để kịp thời ngăn chặn tẩu tán cũng như đóng băng tài sản tiền mã hoá, các TCTD như công ty thanh toán, ngân hàng thương mại có thể báo cáo các giao dịch fiat đáng ngờ để xác minh dòng tiền này có liên quan đến các hoạt động rửa tiền mã hoá hay không. Quản lý theo danh sách cấm, liên quan đến các biện pháp trừng phạt quốc tế (Sanctions and Entity List Management) - liên quan đến các sàn giao dịch về việc phát hiện và đóng băng tài sản tiền mã hoá đáng ngờ. Các TCTD cũng thực hiện tương tự.

Ông Phan Quốc Trung cũng cho biết thêm, hiện Hiệp hội Blockchain Việt Nam thực hiện giải pháp ChainTracer nhằm cung cấp giải pháp theo dõi, truy vết trên blockchain, phát hiện dấu hiệu gian lận lừa đảo tài sản số.

Đây là một sáng kiến cộng tác tiên phong giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Công ty TNHH Xã hội Chống lừa đảo cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế về cơ sở dữ liệu lừa đảo toàn cầu.

“Chúng tôi mang đến nguồn dữ liệu đáng tin cậy về các hoạt động lừa đảo toàn cầu được chia sẻ sau các quá trình truy vết dựa trên các báo cáo của nạn nhân”, ông Phan Quốc Trung nói.

Với sứ mệnh phản đối và ngăn chặn những hành vi lạm dụng công nghệ blockchain để tiến hành lừa đảo, đặc biệt là trong thế giới của tài sản mã hoá và tài sản số, ông Trung cho rằng, Hiệp hội nỗ lực hỗ trợ cộng đồng trong khi môi trường pháp lý đang trong quá trình hoàn thiện.

“ChainTracer trang bị cho người dùng kiến thức và công cụ cần thiết để bảo vệ danh mục đầu tư của họ và phát triển trong hệ sinh thái Web3. ChainTracer không chỉ là một dự án; đó là một cam kết xây dựng mạng internet phi tập trung an toàn, bảo mật hơn”, ông Trung nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Một doanh nghiệp của Việt Nam đưa ra phương pháp phát hiện giao dịch "bất thường" khi mua bán tiền ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO