Klaus Rosenfeld, giám đốc điều hành của Schaeffler, nhà sản xuất phụ tùng ô tô có trụ sở tại Herzogenaurach, Bavaria cho biết: “Đó là một thỏa thuận tốt”. Vào rạng sáng ngày 9/10, ông đã gọi điện cho Andreas Wolf, đối tác tại Vitesco - một đối thủ ở Bavaria, để đề nghị mua 50,1% cổ phần của công ty mà Schaeffler chưa sở hữu. Ông Rosenfeld cho biết giao dịch trị giá 3,6 tỷ euro (3,8 tỷ USD) sẽ tạo ra một gã khổng lồ của Đức có khả năng cạnh tranh trong một ngành đang trải qua sự chuyển đổi lớn sang ô tô điện.
Lần gần đây nhất Schaeffler cố gắng thực hiện thương vụ lớn là vào năm 2008, khi giành được cổ phần kiểm soát tại Continental, một đối thủ có quy mô gấp ba lần công ty. Thương vụ đó, được dùng hoàn toàn bằng tiền vay nợ đã gần như nhấn chìm doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình. Lần này giao dịch nhỏ hơn - Vitesco, công ty được tách ra khỏi Continental vào năm 2021, có doanh thu hàng năm là 9 tỷ euro, so với 16 tỷ euro của Schaeffler. Việc sáp nhập cũng ít phụ thuộc hơn vào tiền vay. Và ông Rosenfeld, người trở thành ông chủ của Schaeffler vào năm 2014 và đưa công ty IPO một năm sau đó, là một nhân viên ngân hàng được đào tạo bài bản và có tính tình thận trọng.
Việc mua lại Vitesco dự kiến sẽ giúp tiết kiệm chi phí khoảng 500 triệu euro mỗi năm. Thỏa thuận cũng sẽ đơn giản hóa cơ cấu cổ đông của Schaeffler, tăng tính minh bạch và giúp cổ phiếu Schaeffler dễ dàng giao dịch hơn. Là một phần của thỏa thuận, gia đình Schaeffler đã đồng ý từ bỏ độc quyền về cổ phiếu có quyền biểu quyết (mặc dù họ sẽ vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ với 75% cổ phần trong công ty mới). Quan trọng nhất, giao dịch này sẽ tạo ra một gã khổng lồ về phụ tùng ô tô toàn cầu, với 120.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Để phát triển mạnh trong kỷ nguyên xe điện (EV), ngành phụ tùng ô tô cần phải củng cố. Ô tô điện yêu cầu ít linh kiện hơn nhiều so với ô tô được trang bị động cơ đốt trong (ICE), vì vậy tính kinh tế nhờ quy mô càng quan trọng hơn. Marc-René Tonn của Warburg, một ngân hàng Đức, cho biết thỏa thuận này chắc chắn sẽ củng cố vị thế của Schaeffler trong lĩnh vực kinh doanh xe điện. Vitesco là nhà cung cấp lớn động cơ điện và thiết bị điện tử cho xe điện. Họ đã nhận được đơn đặt hàng hơn 10 tỷ euro cho các bộ phận xe điện như vậy vào năm 2022, nhiều gấp đôi so với Schaeffler và dự kiến sẽ có số tiền tương tự trong năm nay.
Tuy nhiên, công ty được sáp nhập vẫn phải đối mặt với những thách thức. Bất chấp các đơn đặt hàng liên kết với xe điện ngày càng tăng, các bộ phận liên quan như hệ truyền động và khung gầm vẫn chiếm khoảng 40% doanh thu hàng năm của Schaeffler và 80% của Vitesco. Cả hai công ty đều phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Schaeffler có 13.000 nhân viên và 13 nhà máy ở Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc rộng lớn cũng chiếm 23% doanh thu của hãng. Vitesco, có khoảng 6.500 người làm việc tại 4 nhà máy ở Trung Quốc, chiếm 15% doanh thu từ nước này.
Ông Rosenfeld cho rằng, ngoài việc trở thành một trách nhiệm địa chính trị vào thời điểm những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, mối quan hệ với Trung Quốc có thể là một tài sản thương mại. Ông nói, thỏa thuận này “sẽ giúp ích cho hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc của chúng tôi”. Những điều này không chỉ liên quan đến các bộ phận của xe hơi. Các nhà máy ở Trung Quốc của Schaeffler cũng sản xuất hệ thống vòng bi cho máy bay và tua-bin gió. Hơn nữa, mối quan hệ tốt với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc còn quan trọng vì một lý do khác. Khi các nhà sản xuất ô tô điện đầy tham vọng của Trung Quốc thành lập nhà máy ở châu Âu, họ sẽ cần các nhà cung cấp địa phương. Schaeffler có vẻ có vị trí tốt để trở thành một trong số đối tác của họ.
Theo: The Economist