Từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng và kéo dài tới tận nay. Theo đó, thanh khoản trên thị trường liên tục sụt giảm, khiến nhiều môi giới bất động sản phải bỏ nghề, những người cố gắng bám trụ cũng rất chật vật để tìm kiếm giao dịch.
Trải qua thời gian dài xoay sở tìm kiếm khách hàng, thời điểm cận Tết Nguyên đán một số môi giới bất động sản “vỡ òa” khi bất ngờ có giao dịch. Anh Vũ Hồng, môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, thị trường năm 2022 với những diễn biến khó lường, người mua cũng có sự e ngại khi xuống tiền nên các môi giới hầu như đều ít có giao dịch.
“Năm vừa qua là một năm buồn chung của toàn bộ các môi giới bất động sản. Đầu năm, thị trường có diễn biến sôi động nhưng thực tế, môi giới không có nhiều giao dịch. Bởi, nhà đầu tư tự có thể mua bán dễ dàng không mất quá nhiều thời gian tìm khách mua”, anh Hồng nói.
Đến giữa năm 2022, thị trường đột ngột rơi vào trầm lắng, tình trạng người bán nhiều hơn người mua bắt đầu xuất hiện. Môi giới từ khi đó đến nay gần như chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Theo đó, suốt một thời gian kéo dài 4 tháng anh Hồng không có giao dịch.
“Đến mới đây tôi có thêm một giao dịch căn nhà phố với giá trị hơn 15 tỷ đồng. Để bán được căn nhà này tôi phải chăm sóc khách liên tục 3 tháng. Bên cạnh đó, tôi cũng thuyết phục chủ nhà giảm giá để người mua xuống tiền. May là vớt vát được giao dịch này, tôi lấy tiền về còn lo sắm sửa ngày Tết”, anh Hồng chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, anh Nguyễn Phương, môi giới bất động tại Hà Nội chia sẻ, mới đây, anh giao dịch thành công 2 căn hộ chung cư với tổng giá trị 5 tỷ đồng, sau một thời gian dài 3 tháng không có giao dịch.
“Nhiều môi giới bất động sản phải bỏ nghề vì thị trường gặp khó. Tôi vẫn cố bám trụ lại, cũng vui mừng vì có thêm giao dịch ngày cận Tết Nguyên đán. Ở phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực còn có giao dịch, các phân khúc đầu tư gần như vắng bóng người mua”, anh Phương nói.
Theo anh Thành Trung, chủ một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, thông thường thời điểm cận Tết Nguyên đán là lúc môi giới làm ăn tốt, song ở năm nay lại khác. Những chính sách tiền tệ và trái phiếu có sự thắt chặt thời điểm đầu năm khiến thị trường gặp khó, do vậy đến cuối năm thanh khoản vẫn trầm lắng.
“Thời điểm này nếu bán được cũng chỉ là những căn nhà phục vụ nhu cầu thực. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều. Người mua đang chờ đợi sự điều chỉnh về giá từ người bán và các động thái tháo gỡ cho thị trường từ Chính phủ. Tôi cho rằng, năm 2023, sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu thực sẽ là điểm sáng để “cứu” thanh khoản của thị trường”, anh Trung nhận định.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, lực cầu thực là điểm sáng duy nhất của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, ông Đính tin tưởng từ những động thái tháo gỡ của Chính phủ khi thành lập tổ công tác đặc biệt, thị trường sẽ có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới và bắt đầu hồi phục từ nửa cuối năm 2023.
“Hiện nay, một số chủ đầu tư đang có sự điều chỉnh về mức giá bán, tăng chiết khấu. Đến khi có mức giá hấp dẫn, phù hợp với túi tiền của người mua nhà chắc chắn họ sẽ xuống tiền. Bởi, những người đang có nhu cầu sở hữu nhà hiện nay họ cũng đã chuẩn bị một số tiền nhất định, vấn đề chỉ là có mức giá hấp dẫn”, vị chuyên gia nhận định.