Ông Lư 60 tuổi ở Phủ Điền, Phúc Kiến, Trung Quốc mới mở một cửa hàng nhỏ bán bánh quẩy trong khu phố để gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, ngay hôm khai trương cửa hàng, ông cụ đã bị cơ quan chức năng phạt 50.000 NDT (hơn 173 triệu đồng) vì một lỗi sai phạm. Câu chuyện này sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút nhiều ý kiến bình luận. Nhiều người cho rằng sai lầm của ông Lư cũng chính là bài học mà những người làm kinh doanh ẩm thực nên ghi nhớ.
Theo 163.com, ông Lư đã phải tích góp rất lâu mới đủ vốn mở cửa hàng. Hôm khai trương, gia đình ông đã dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu và làm bánh. Khi mới hoàn thành mẻ bánh đầu tiên, ông Lư rất vui mừng khi thấy một nhóm người ghé vào cửa hàng. Chưa kịp lên tiếng hỏi xem khách ăn gì, ông Lư vô cùng ngạc nhiên khi nhóm người này tự giới thiệu là cán bộ thuộc Cục quản lý thị trường Phúc Kiến đến cửa hàng để kiểm tra.
Ảnh minh họa: Internet
Dù chưa hiểu chuyện gì xảy ra, song ông Lư vẫn rất bình tĩnh mời các cán bộ vào cửa hàng và hợp tác thực hiện theo những yêu cầu của họ. Ông cụ cho biết cửa hàng của ông có giấy phép kinh doanh, toàn bộ nguyên liệu đều được mua và chế biến trong ngày nên rất tươi ngon và hợp vệ sinh. Vì thế nên khi cán bộ thuộc cục quản lý thị trường yêu cầu mang thử 14 mẫu bánh quẩy tại cửa hàng đi kiểm tra chất lượng thực phẩm, ông Lư rất yên tâm và tự tin rằng mẫu bánh của cửa hàng không có vấn đề gì.
Tuy nhiên không lâu sau đó, kết quả kiểm tra mà Cục quản lý thị trường Phúc Kiến trả về lại khiến ông Lư gặp rắc rối lớn. Theo đó, 14 mẫu bánh quẩy tại cửa hàng sau khi được đưa đi kiểm tra thì phát hiện chứa lượng nhôm vượt quá mức cho phép. Đây là hành vi sai phạm cực kỳ nghiêm trọng, do đó ông Lư bị cơ quan chức năng "thổi còi” và xử phạt 50.000 NDT.
Nghe được tin này, ông cụ 60 tuổi này vô cùng hoang mang. Qua quá trình xét hỏi, ông Lư cho biết bột mì dùng để làm bánh trong cửa hàng là loại bột được mua ở chợ. Ông nghi ngờ có thể lượng nhôm vượt quá mức quy định trong bánh quẩy bắt nguồn từ loại bột này. Do đó, ông cụ đã cung cấp địa chỉ nơi mình mua bột để Cục quản lý thị trường Phúc Kiến kiểm tra và xác thực. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra nhà cung cấp bột mì do Cục Giám sát thị trường thực hiện lại cho thấy loại bột mà cửa hàng của ông Lư sử dụng hoàn toàn không có vấn đề gì. Điều này khiến ông Lư như chết lặng.
Ảnh minh họa: Internet
Sau đó, cửa hàng của ông Lư buộc phải đóng cửa và chịu phạt 50.000 NDT. Tuy nhiên, ông Lư không chấp nhận kết quả mà Cục quản lý thị trường Phúc Kiến đưa ra nên đã đưa vụ việc ra tòa án địa phương. Ông cụ cho rằng cửa hàng ngày đầu mới khai trương, chưa bán bánh cho bất cứ khách hàng nào, do đó, ông yêu cầu đơn vị này hủy bỏ án phạt.
Tuy nhiên, qua quá trình điều tra và xem xét vụ việc, tòa án Trung Quốc khẳng định việc xử phạt của Cục quản lý thị trường Phúc Kiến đối với ông Lư là đúng với quy định của pháp luật. Vì thế nên án phạt với ông vẫn được giữ nguyên. Dẫu vậy, ông cụ 60 tuổi này vẫn không chịu chấp nhận sự thật nên tiếp tục tìm đến luật sư, mong được "lật ngược tình thế".
Theo quy định tại điều 124 Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc quy định nếu thực phẩm chứa chất gây hại cho sức khỏe con người vượt quá tiêu chuẩn an toàn thì sẽ bị phạt từ 50.000 - 100.000 NDT. Xét thấy trong trường hợp này, tòa án cho rằng ông Lư là người vi phạm lần đầu, chưa ghi nhận có thiệt hại xảy ra và đã có thái độ nhiệt tình hợp tác với cơ quan điều tra nên chỉ bị phạt 50.000 NDT. Một lần nữa, yêu cầu của ông Lư lại bị tòa án Trung Quốc bác bỏ.
Trong câu chuyện này, các cán bộ Cục quản lý thị trường Phúc Kiến cũng tỏ vẻ thông cảm cho ông Lư. Tuy nhiên, đây là hành vi sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người nên không thể xử phạt nhẹ tay hơn. Sự việc này cũng là lời cảnh báo cho một số ông chủ ngành thực phẩm cần hãy chú ý hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm. Chỉ khi họ đặt cái “tâm” lên hàng đầu thì mới có thể kinh doanh một cách bền vững.
(Theo 163.com)