Marketing tầm bầu Đức: Chỉ 4kg thịt tặng cổ đông giúp thương hiệu "heo ăn chuối" nổi như cồn, tận dụng "lùm xùm" với VPF để quảng bá rượu Carabao

An Vũ | 11:06 13/02/2023

Ông Đoàn Nguyên Đức, người thường được biết đến với cái tên bầu Đức có lẽ là vị doanh nhân xuất hiện trên truyền thông thuộc top nhiều nhất Việt Nam. Mỗi phát ngôn của ông, dù liên quan đến công việc kinh doanh hay bóng đá đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Marketing tầm bầu Đức: Chỉ 4kg thịt tặng cổ đông giúp thương hiệu "heo ăn chuối" nổi như cồn, tận dụng "lùm xùm" với VPF để quảng bá rượu Carabao

Mọi người đều không lạ gì cá tính của vị doanh nhân này, phát ngôn hay hành động từ trước đến nay đều luôn rất dứt khoát, mạnh mẽ, thậm chí có thể gây sốc. Nhìn lại trong khoảng hơn một năm trở lại đây, khi ông bắt đầu cơ cấu lại HAGL với những mảng sản xuất mới thì những phát ngôn này hoàn toàn có thể trở thành vũ khí truyền thông lợi hại mang lại không ít lợi ích cho doanh nghiệp của ông và những bên liên quan.

Làm quảng cáo "siêu tiết kiệm" kiểu bầu Đức

Bầu Đức nuôi heo từ 2021 và bước sang năm 2022, câu chuyện về những chú heo ăn chuối bắt đầu được nhắc đến nhiều trên phương tiện truyền thông.

Heo ăn chuối được nuôi bằng công thức chế biến thức ăn với thành phần chính là chuối, còn lại là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc... Chuối nguyên liệu làm thức ăn được HAG đã tận dụng từ những trái chuối được bỏ lại sau khi chọn lọc hàng xuất khẩu.

Lức mới đầu, có người tin, có người ngờ, nhưng đa phần vẫn "ngóng" xem heo ăn chuối sẽ đi đến đâu hay lại chỉ là một thử nghiệm không đi đến đâu của bầu Đức?

Nửa đầu tháng 3/2022, trước khi heo ăn chuối mang thương hiệu Bapi tại chuỗi 16 cửa hàng thực phẩm thuộc hệ thống Sanha Foodstore TP.HCM vào 11/03/2022, bầu Đức đã quyết định gửi tặng cho 1.000 cổ đông (sinh sống tại TP.HCM, Hà Nội, Gia Lai) mỗi người 4 kg thịt heo tươi để dùng thử nhằm đánh giá sản phẩm. 

Trên thực tế, chiêu marketing "mời dùng thử" của HAGL không có gì mới mẻ hay đột phá nhưng lại tạo được tiếng vang rất tốt. Bằng chứng là vào ngày bán thử lần đầu tiên, heo ăn chuối "hết veo" từ sớm.

Thịt heo Bapi

Tháng 5/2022, Công ty CP Bapi Hoàng Anh Gia Lai mới chính thức ra đời, khi này HAGL nắm giữ 55% số lượng cổ phần công ty.

Tháng 9, Công ty đã khai trương cửa hàng bán thịt BapiFood đầu tiên tại quận 11, TP Hồ Chí Minh. Theo đại diện cửa hàng, chỉ trong vài giờ khai trương, 2 con heo với cân nặng khoảng 100kg đã được người dân mua hết. Cùng với đó là một buổi họp báo chính thức ra mắt Heo Bapi và những câu chuyện trải lòng của bầu Đức. Như thường lệ, những câu chuyện của bầu Đức luôn nhận được vô cùng nhiều sự quan tâm và chú ý của dư luận.

Sáng 21/8, Bapi HAGL chọn Đà Nẵng là nơi mở đầu cho chuỗi sự kiện ra mắt thương hiệu “heo ăn chuối của HAGL” diễn ra tại Bapi Mart, 535 Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.

Ngày 23/10, heo ăn chuối Bắc tiến. Hai cửa hàng bán thịt heo ăn chuối Bapi đầu tiên tại Hà Nội vừa được khai trương trong sáng ngày 23/10 tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City Tây Mỗ.

Bên trong cửa hàng Bapi Food

Điều hay nhất là khi nhìn lại báo cáo tài chính năm 2022 của HAGL, không thấy xuất hiện khoản mục chi phí marketing, quảng cáo... hoành tráng. Có thể đâu đó, những chi phí họp báo, tổ chức sự kiện bán hàng... nằm ẩn trong chi phí khác hay chi phí thuê ngoài của doanh nghiệp nhưng rõ ràng HAGL đã không phải sử dụng số tiền lớn để "lan truyền" heo Bapi theo những cách thông thường: không TVC quảng cáo, không người nổi tiếng dùng thử, không chuyên gia nhận định đánh giá,...

Trong một diễn biến mới đây nhất, bầu Đức cho biết “HAGL sẽ là doanh nghiệp đầu tiên làm mô hình từ trang trại đến bàn ăn mà có đủ thứ người tiêu dùng cần: Thịt, rau, tỏi, ớt...”, bầu Đức nói. Theo đó, Bapi trong tương lai không chỉ bán thịt heo ăn chuối, thịt gà đi bộ, thịt bò Lào mà còn bao gồm rau củ quả do chính HAGL trồng.

Theo kế hoạch, Bapi sẽ chỉ tiêu thụ hoàn toàn hàng của HAGL làm ra, nếu lấy hàng bên ngoài vào sẽ không kiểm soát được chất lượng và HAGL không làm vậy.

Chúng tôi làm rau củ quả để mong muốn trên bàn ăn của người Việt có đầy đủ nông sản của HAGL . Định hướng của Công ty sản xuất ra hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày. Và sản phẩm phải sạch, chúng tôi sẽ không cho trà trộn bất cứ nguồn gốc sản phẩm nào. Nếu cho Bapi tự do lấy sản phẩm của các đơn vị khác thì không thể tốt dc và sẽ không có những sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” đại diện HAGL nói thêm.

Trên thực tế, điều này làm không dễ. Việc sản xuất rau củ quả sạch để tự chủ cung cấp cho một hệ thống bán lẻ không hề dễ. Ngay cả ông lớn Masan có nông trường sản xuất rau sạch cung cấp cho hệ thống WinMart, WinMart+ nhưng cũng chỉ được một phần, vẫn cần phải có những đối tác bên ngoài mới đa dạng sản phẩm.

Vấn đề thứ hai là khi chỉ còn nắm 35% cổ phần của Bapi thì HAGL và bầu Đức có đủ tiếng nói để quyết định chiếc lược kinh doanh của Bapi như khi nắm 55% cổ phần hay không?

"Một vụ lùm xùm nho nhỏ mà cả nước biết tới"

Mới đây liên quan đến Carabao - nhãn hiệu nước tăng lực đến từ Thái Lan, nhà tài trợ chính của HAGL trong 2 năm 2023 - 2024, ông Đoàn Nguyên Đức nói: "Trong thời gian vừa qua, chỉ có một vụ lùm xùm nho nhỏ mà cả nước đều biết tới Carabao, cho nên việc bán hàng tại Việt Nam sẽ cực kỳ thuận lợi. Đó là bước đi thành công đầu tiên của Carabao, và HAGL sẽ có trách nhiệm giúp Carabao quảng bá thương hiệu trên khắp các nẻo đường Việt Nam. Như vậy, thành công của Carabao chính là thành công của HAGL"

Lễ ký kết hợp tác của đội bóng HAGL với Tập đoàn Carabao

Vụ lùm xùm "nho nhỏ" mà bầu Đức nhắc tới chính là sự kiện đụng hàng tài trợ giữa hai nhãn nước tăng lực tài trợ cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF (Night Wolf) và Câu lạc bộ HAGL (Carabao). 

Nói sự việc này "nho nhỏ" có vẻ không thích hợp lắm khi mà trước Tết, bầu Đức gay gắt tuyên bố nghỉ đá giải vô địch quốc gia, sau Tết thì đâm đơn kiện VPF.

Tất nhiên, ai cũng hiểu, ông Đức có cái lý của mình và quyết đi đến cùng với mong muốn vì cái chung cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng cũng cần phải nói, quy định về ngành hàng tài trợ nằm trong điều lệ được công khai của VPF, tại sao trước đó khi điều lệ được đưa ra, ông Đức không quyết liệt phản đối?

Và nếu các bên có liên quan chỉ mềm mỏng, chọn cách "đóng cửa bảo nhau" thì câu chuyện có thể lan truyền rộng rãi đến vậy không?

Chính sự ầm ĩ này đã giúp nước tăng lực Carabao - một tên tuổi còn chưa có tiếng trên thị trường Việt Nam, bỗng chốc được cả nước biết tới. Dẫu có bị bỏ đi cụm từ "nước tăng lực" trên áo các cầu thủ HAGL mang ra sân thì Carabao cũng đã thành công trong việc lan tỏa hình ảnh thương hiệu. 

Còn bầu Đức, với bộ óc linh hoạt của một người làm ăn, thậm chí đã nhắc đến ý tưởng bắt tay sản xuất rượu Carabao - Hoàng Anh Gia Lai. Đây mới chỉ là ý tưởng hợp tác, nhưng nếu loại rượu này ra đời thật thì nó đã có một câu chuyện và nền tảng truyền thông được xây dựng từ trước đó.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Marketing tầm bầu Đức: Chỉ 4kg thịt tặng cổ đông giúp thương hiệu "heo ăn chuối" nổi như cồn, tận dụng "lùm xùm" với VPF để quảng bá rượu Carabao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO