LVMH vs H&M: Khi ngành xa xỉ đánh bại thời trang ‘ăn liền’ trong khủng hoảng

Băng Băng | 09:42 29/01/2023

Với giới siêu giàu thì lạm phát, dịch bệnh hay thậm chí khủng hoảng cũng không phải là vấn đề.

LVMH vs H&M: Khi ngành xa xỉ đánh bại thời trang ‘ăn liền’ trong khủng hoảng

Theo tờ Quartz, báo cáo kết quả kinh doanh của tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH đã đánh bại một trong những hãng thời trang nhanh (thời trang ăn liền) nổi tiếng toàn cầu là H&M, qua đó cho thấy sức chống chịu khủng khiếp của giới siêu giàu bất chấp lạm phát, dịch bệnh hay khủng hoảng.

Tập đoàn LVMH của Pháp, sở hữu những thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Christian Dior, Tiffany’s, Sephora... đã báo cáo một năm kinh doanh lợi nhuận kỷ lục 2022. Tổng doanh thu của hãng đạt mức kỷ lục 79,2 tỷ Euro, tương đương 86,2 tỷ USD, còn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 21,1 tỷ Euro, tương đương 23 tỷ USD. Cả 2 chỉ số này đều có mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Bất chấp tình hình dịch kinh tế khó khăn trên toàn cầu, doanh số bán hàng của LVMH vẫn tăng mạnh ở Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Nguyên nhân chính là nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ của giới nhà giàu vẫn vô cùng mạnh mẽ, chưa kể đến việc sự mở cửa trở lại của ngành du lịch cũng thúc đẩy tiêu dùng trong giới đại gia.

Mặc dù LVMH rút khỏi thị trường Nga trong năm 2022 nhưng đóng góp của khách hàng nơi đây trong tổng doanh thu của hãng là khá nhỏ so với Mỹ và Trung Quốc.

Trái ngược lại với sự bùng nổ của LVMH là một năm ảm đạm của H&M, hãng thời trang nhanh lớn thứ 2 thế giới sau Inditex (Zara). Lợi nhuận ròng của H&M kết thúc năm tài khóa vào cuối tháng 11/2022 đã giảm 68% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 3,6 tỷ Kronor, tương đương 349 triệu USD.

CEO Helena Helmersson của H&M thừa nhận doanh số bán hàng chững lại trong tháng 2/2022 cùng quyết định rời khỏi thị trường Nga đã ảnh hưởng nặng đến lợi nhuận của công ty.

“Nga là một thị trường quan trọng và đầy lợi nhuận của H&M và sự rút lui này đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của chúng tôi”, CEO Helmersson ngậm ngùi.

Ngoài ra, vị CEO này còn cho biết giá nguyên liệu tăng, chi phí vận tải, logistic đi lên cùng đồng USD quá mạnh đã khiến H&M gặp khó. Thế rồi giá năng lượng quá cao tại Châu Âu càng khiến H&M gặp rắc rối trong việc cắt giảm chi phí. Thậm chí hãng đã có đợt sa thải diện rộng vào tháng 11/2022 nhưng chẳng giảm thiểu được thiệt hại là bao.

Thị trường trăm tỷ USD

Báo cáo tháng 11/2022 của hãng tư vấn Bain&Co cho thấy thị trường hàng xa xỉ ước tính đạt tổng giá trị 540-580 tỷ Euro, tương đương 588-631 tỷ USD vào năm 2030, tăng 60% so với mức 353 tỷ Euro của năm 2022.

Tệp khách hàng trên thị trường này từ mức 200 triệu người hiện nay sẽ tăng lên đến 500 triệu người vào cuối thập niên này.

Nguyên nhân chính của sự bùng nổ bất chấp những thách thức của nền kinh tế hiện nay là do Trung Quốc mở cửa trở lại, qua đó dần hồi phục sau đại dịch trong khi đây là một trong những thị trường chính của ngành hàng xa xỉ.

Tiếp đó, nền kinh tế Mỹ lẫn Châu Âu được cho là sẽ chống chịu tốt với những thách thức hiện nay, từ lạm phát cho đến nguy cơ khủng hoảng.

Cuối cùng, Bain&Co nhận định thị trường xa xỉ Ấn Độ sẽ tăng gấp 3,5 lần so với hiện nay vào năm 2030 do dân số cũng như kinh tế tăng trưởng mạnh.

Đồng quan điểm, tờ Financial Times (FT) nhận định ngành hàng xa xỉ cho giới nhà giàu có lẽ là mảng hiếm hoi chống chịu lại được với khủng hoảng kinh tế. Trong khi doanh số bán lẻ đi xuống, thị trường chứng khoán mất 20% giá trị trong năm 2022 thì chi tiêu cho ngành xa xỉ vẫn tăng mạnh.

“Với giới siêu giàu, việc giảm chi tiêu từ 100.000 USD/tháng xuống 80.000 USD/tháng chẳng thay đổi gì nhiều khi nền kinh tế khó khăn. Trong khi đó người giàu thì có quá nhiều nên thị trường hàng xa xỉ vẫn có nhu cầu cao”, CEO Milton Pedraza của Viện hàng xa xỉ “Luxury Institute” nhận định.

Ở một khía cạnh khác, báo cáo của Bain&Co cho thấy lượng khách hàng Gen Y (Millennial-sinh trong khoảng 1980-2000) và Gen Z (1997-2012) là đối tượng chi tiêu chủ yếu. Tuy nhiên từ nay đến năm 2030, các khách hàng Gen Z và Gen Alpha (sinh sau năm 2010) sẽ tăng chi tiêu nhanh gấp 3 lần so với những thế hệ khác trong mảng hàng xa xỉ, qua đó chiếm 1/3 tổng thị trường.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thế hệ Gen X tiếp xúc và mua hàng xa xỉ sớm hơn Gen Y 3-5 năm, ngay từ lúc 15 tuổi so với 18-20 tuổi trước đây. Tương tự, Gen Alpha cũng được cha mẹ mua hàng xa xỉ từ bé, qua đó mở rộng độ tuổi tệp khách hàng của ngành này.

*Nguồn: FT, Quartz

Bài liên quan

(0) Bình luận
LVMH vs H&M: Khi ngành xa xỉ đánh bại thời trang ‘ăn liền’ trong khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO