Lưu ý quan trọng cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Thụy Điển và Ấn Độ

An Nam | 18:01 14/05/2025

Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Thụy Điển và Ấn Độ đang tăng cường biện pháp kiểm soát hàng nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng có dấu hiệu gian lận xuất xứ hoặc bán phá giá trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động bởi căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn.

Lưu ý quan trọng cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Thụy Điển và Ấn Độ

Thụy Điển "siết" kiểm soát thương mại

Dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, baochinhphu.vn cho biết, trước tác động từ xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan Hải quan Thụy Điển vừa công bố một loạt biện pháp tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các lô hàng có dấu hiệu khai báo sai nguồn gốc xuất xứ nhằm né tránh mức thuế cao do EU áp lên hàng hóa Hoa Kỳ.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp bị phát hiện trung chuyển hàng qua nước thứ ba hoặc sử dụng nhà cung cấp kê khai sai xuất xứ để lách thuế, đặc biệt trong các mặt hàng có giá trị cao như: Phụ tùng ô tô, mỹ phẩm, thiết bị điện tử và thời trang. Những hành vi này không chỉ gây bóp méo thị trường mà còn đe dọa tính công bằng và hiệu lực của hệ thống thuế quan EU.

Căng thẳng thương mại đang khiến người tiêu dùng châu Âu gánh mức giá cao hơn, trong khi doanh nghiệp nội khối tuân thủ đầy đủ quy định bị cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng hóa nhập khẩu gian lận.

Đế đối phó, Thụy Điển đã bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm tra ngẫu nhiên, mở rộng đối chiếu tờ khai và triển khai kiểm toán hải quan chuyên sâu đối với các nhà nhập khẩu nghi vấn. Các trường hợp vi phạm có thể bị xử lý hình sự hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho rằng mặc dù Việt Nam không phải là đối tượng trong xung đột thương mại Hoa Kỳ - EU song đây là lời cảnh báo rõ ràng về tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn hải quan EU, đặc biệt khi Việt Nam đang hưởng nhiều ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo minh bạch trong chuỗi cung ứng và chứng từ xuất xứ (CO); áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số (blockchain, QR truy xuất) trong các nhóm hàng nhạy cảm như: Dệt may, nông sản, linh kiện điện tử.

Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cũng khuyến nghị doanh nghiệp làm việc trực tiếp với các nhà nhập khẩu uy tín tại Thụy Điển, tránh trung gian không rõ ràng. Thường xuyên cập nhật thay đổi quy định từ EU và Thụy Điển, thông qua thương vụ, hiệp hội ngành hàng và Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF).

Ấn Độ tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu Việt Nam

Đối với Ấn Độ, đây là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên thị trường này liên tục khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của nước ta.

Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho thấy, tính đến tháng 4/2025, Ấn Độ đã khởi xướng tổng cộng 39 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, trong đó có 27 vụ chống bán phá giá, 6 vụ chống trợ cấp và 6 vụ tự vệ. Các sản phẩm bị điều tra trải dài từ thép, ống đồng, sợi nhựa, kính năng lượng mặt trời đến gỗ MDF...

Ngoài ra, dù Ấn Độ có quy định chọn mẫu trong điều tra nhưng trên thực tế thường áp dụng điều tra diện rộng. Điều này có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp liên quan đều phải trả lời bản câu hỏi, đồng thời mỗi doanh nghiệp sẽ bị tính thuế riêng dựa trên dữ liệu mà họ cung cấp.

Không những vậy, cơ quan điều tra Ấn Độ có xu hướng áp đặt, lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại, có những kết luận chưa thuyết phục/không phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế.

Để ứng phó với tình hình này, duy trì ổn định xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định, thủ tục, thực tiễn điều tra của thị trường; triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường sử dụng nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại…


(0) Bình luận
Lưu ý quan trọng cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Thụy Điển và Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO