Luật sư Trương Thanh Đức: Không nên mở rộng đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Lê Sáng | 16:57 25/06/2023

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu (sửa đổi) đến công ty con có trên 50% vốn Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có nguy cơ làm mất tính tự chủ của doanh nghiệp trong kinh doanh và thích ứng với thị trường.

Luật sư Trương Thanh Đức: Không nên mở rộng đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Theo đó, góp ý Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng Không nên mở rộng áp dụng luật đối với công ty con của DNNN, kể cả doanh nghiệp do DNNN sở hữu 100% vốn.

Luật sư Trương Thanh Đức lý giải thêm “Doanh nghiệp có trên 50% vốn DNNN” được hiểu là công ty con của DNNN 100% vốn nhà nước chứ không phải là mọi DNNN. Các doanh nghiệp này, lâu nay vẫn được gọi là “doanh nghiệp cấp 2”. Mặc dù vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, các doanh nghiệp cấp 2 này chỉ có vốn của DNNN chứ chưa bao giờ là DNNN.

Tại Luật Đấu thầu ban hành lần đầu năm 2005 và Luật Đấu thầu năm 2013 quy định ngoài việc quy định áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển của DNNN thì phải áp dụng đối với cả dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Như vậy, theo Luật sư Trương Thanh Đức, có thể thấy các quy định của Luật Đấu thầu từ trước đến nay nhắm vào nhóm đối tượng là dự án sử dụng “vốn nhà nước” và “vốn của DNNN” chứ không phải là nhắm vào công ty con của DNNN.

“Tức là, các dự án không thuộc nhóm các đối tượng nêu trên sẽ không phải tuân thủ quy trình đấu thầu bắt buộc như quy định của Luật. Doanh nghiệp cấp 2 tức công ty con của DNNN, theo đó, sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Luật này, nếu không sử dụng vốn của nhà nước hay vốn của công ty Mẹ (DNNN) trong dự án khi đầu tư mua sắm”, Luật sư Trương Thanh Đức lý giải.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp cấp 2 khi đầu tư mua sắm vẫn tổ chức đấu thầu… theo đúng quy trình của Luật Đấu thầu, bởi không tự xác định được thế nào là “vốn nhà nước” hay “vốn của DNNN” trong các dự án. Bởi các quy định, định nghĩa của Luật 2013 chưa rõ ràng về “vốn của DNNN” tham gia dự án.

Từ những phân tích trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng hiện nay chúng ta đang phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường, nên phải đảm bảo một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định đối với tất cả các thành phần kinh tế. Do đó, loại bỏ quy định trên giúp các doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước (mà không phải là vốn của Nhà nước) được chủ động hơn trong việc đầu tư dự án, góp phần tạo nên quyền chủ động quyết định cho các tổ chức, cá nhân khác có tham gia góp vốn cùng nhà nước, họ không bị ràng buộc bởi những quy định áp dụng đối với vốn nhà nước như trước đây. Đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và các tổ chức cá nhân khác trong cùng “sân chơi kinh tế”.

Hiện nay chúng ta đang phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường, nên phải đảm bảo một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định đối với tất cả các thành phần kinh tế

Luật sư Trương Thanh Đức

“Quản chặt vốn nhà nước là đúng, nhưng khi số vốn đó đã được đầu tư vào doanh nghiệp thì phải giao quyền chủ động cho doanh nghiệp, đặc biệt là trường hợp đã mang đi đầu tư vào công ty con mà khi sử dụng để đầu tư kinh doanh vẫn quản như vốn ngân sách thì chẳng khác nào ép doanh nghiệp tự buộc chân mình”, Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Luật sư Trương Thanh Đức: Không nên mở rộng đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO