VCCI: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) còn nhiều quy định chung chung làm khó nhà đầu tư

Lê Sáng | 10:04 16/01/2023

Góp ý cho Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, VCCI khẳng định nhiều quy định trong dự thảo Luật này còn chung chung, làm khó nhà đầu tư.

VCCI: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) còn nhiều quy định chung chung làm khó nhà đầu tư
Theo VCCI, Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi còn nhiều quy định chung chung dễ làm khó nhà đầu tư

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có nội dung tham luận về Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi (Dự thảo).

Theo đó, VCCI nhận định so với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại Mục 2, Chương II của Dự thảo Luật.

Theo VCCI đây là những quy định mới và là các trường hợp ngoại lệ, không phải áp dụng theo quy trình đấu thầu thông thường nên cần thiết phải quy định đủ rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện, tránh bị lạm dụng và tạo rủi ro pháp lý cho các đối tượng thực hiện.

Tuy nhiện, cũng theo VCCI, dù đã bổ sung một số nội dung cập nhật tuy nhiên Dự thảo vẫn có một số điểm quy định còn khá chung chung cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi của Luật khi ban hành.

Cần làm rõ quy trình lựa chọn nhà thầu

Cụ thể, về quy trình lựa chọn nhà thầu, VCCI cho biết nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt được quy định tại tại điểm b khoản 2 Điều 28 Dự thảo, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định: Phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp dự án, gói thầu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Dự thảo đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; Phương án lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi quản lý quy định tại điểm b, c và đ khoản 2 Điều 27 Dự thảo;

Cùng với đó, điều 29 Dự thảo quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, tuy nhiên chỉ quy định về quy trình Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 27.

Như vậy, với các quy định trên, VCCI đặt vấn đề “không rõ, đối với trường hợp quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 27 Dự thảo, Phương án lựa chọn nhà thầu sẽ được phê duyệt theo quy trình nào?”

Chưa rõ thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu

Mặt khác, VCCI cho rằng quy định tại Dự thảo cũng chưa rõ thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 Dự thảo cũng như quy trình để phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp này.

“Điểm c khoản 2 Điều 1 Dự thảo “dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội” là trường hợp phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu”, VCCI nhấn mạnh.

Cũng theo VCCI, các quy định này thì bất kì khoản mua sắm nào để duy trì hoạt động thường xuyên của các chủ thể trên có nguồn gốc từ vốn nhà nước, đều phải tổ chức đấu thầu.

“Theo đó, rất nhiều khoản chi trong chi thường xuyên có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến một vài triệu đồng như các khoản sửa chữa thường xuyên phát sinh đột xuất như: sửa xe ô tô, máy tính, máy in, điều hoà; sửa một vài chỗ hư hỏng nhỏ như nền nhà, cửa sổ, bàn làm việc, tủ tài liệu; …cũng nằm trong danh mục phải tổ chức lựa chọn nhà thầu. Điều này gây khó khăn trong hoạt động của các chủ thể trên”, VCCI lưu ý.

Ngoài ra, theo VCCI, Điểm d khoản 2 Điều 27 Dự thảo lại quy định “Gói thầu thuộc dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

“Có thể quy định này sẽ giải quyết cho bất cập được nêu ở trên, tuy nhiên lại chưa đủ rõ ràng về các nội dung như: thẩm quyền quyết định, Chính phủ sẽ quy định về vấn đề gì (điều kiện để gói thầu này thuộc trường hợp đặc biệt – để phân biệt với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Dự thảo? quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt này như thế nào?)”, VCCI lập luận.

Để đảm bảo tính minh bạch của quy định và thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị quy định rõ các vấn đề trên.

Nhìn chung, VCCI cho rằng các quy định tại Mục 2 Chương II Dự thảo còn khá chung chungnhiều quy định mang tính định tính, nếu áp dụng các quy định này mà không có hướng dẫn thêm thì sẽ rất khó để thực hiện. Do đó, VCCI đề nghị cân nhắc bổ sung quy định trao quyền cho Chính phủ hướng dẫn thêm quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
VCCI: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) còn nhiều quy định chung chung làm khó nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO