Đại diện cho VIAC, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng một nền kinh tế thị trường hiệu quả đòi hỏi phải phối hợp nhiều công cụ điều chỉnh mà cạnh tranh là một trong vài công cụ chủ yếu. Cạnh tranh hiệu quả sẽ đưa lại những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tốt nhất không chỉ về chất lượng, giá cả mà còn là những giá trị gia tăng, nhất là khi thế giới đang đòi hỏi những giá trị xã hội, văn hóa, môi trường, lao động … hàm chứa trong sản phẩm, dịch vụ.
Mọi đầu tư, dù tư nhân hay nhà nước đều phải theo xu hướng này, đặc biệt với nhà nước càng phải coi đây là hình ảnh, uy tín quốc gia không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Đấu thầu là phương pháp hiệu quả nhất để tìm ra người cung cấp tốt nhất các sản phẩm, dịch vụ đó.
Do đó, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng việc xây dựng luật đấu thầu cần xác định rõ các chính sách làm nền tảng cho quá trình thiết kế các điều luật mà sau đây là mấy chính sách chủ yếu.
Một là pháp luật về đấu thầu phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng để lựa chọn nhà thầu tốt nhất với thủ tục, thời gian, chi phí, sự minh bạch tốt nhất.
Hai là các quy định về đấu thầu phải hợp lý, khả thi, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ba là pháp luật về đấu thầu phải nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước để hạn chế thấp nhất tiêu cực, phát huy cao nhất việc chống tham nhũng, bảo vệ tốt nhất các nhà đầu tư, công chức tham gia đấu thầu, đem lại sự hài lòng nhất cho người tiêu dùng, tránh được việc biến đấu thầu thành “bình phong” che đậy các lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân.
Vị Phó Chủ tịch VIAC khuyến nghị, một hệ thống pháp luật đấu thầu tốt là hệ thống bảo đảm cho các nhà đầu tư đủ điều kiện đều được tham gia thầu, các nguồn đầu tư công đều phải được đấu thầu và quá trình đấu thầu phải được minh bạch, các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối đều phải thực hiện đấu thầu các dự án đầu tư công chỉ trừ lý do đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng hoặc không hiệu quả tính theo chi phí lợi ích thì mới áp dụng các hình thức khác.
Đối chiếu với Dự thảo Luật Đấu thầu được công bố sau khi đã có ý kiến góp ý lần đầu của các đại biểu Quốc hội, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết vẫn còn một số băn khoăn với Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.
Ý kiến của VIAC là cần áp dụng quy định này để không để lọt một khối lượng lớn các dự án sử dụng vốn nhà nước nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạn chế tiêu cực tham nhũng, cạnh tranh trong đấu thầu, đồng thời buộc các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải minh bạch hơn phù hợp với chính sách mà Ban soạn thảo đề ra khi xây dựng Dự thảo này (“ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng và lãng phí trong hoạt động đấu thầu).
Thứ hai, Dự thảo còn một số quy định không thống nhất, chồng chéo so với các qui định pháp luật khác. Đó là các điều luật về giải thích từ ngữ, quy định về hợp đồng, quy định về điều cấm trong pháp luật đấu thầu có liên quan đến Luật đầu tư, Luật xây dựng, Bộ luật hình sự, ví dụ Giải thích từ ngữ (Điều 4) Dự thảo Luật tại Khoản 29 Điều 4 “nhà đầu tư nước ngoài”, khoản 30 giải thích “ nhà đầu tư trong nước “ trong khi Luật đầu tư đã giải thích các cụm từ này (Điều 3: “Giải thích từ ngữ” của Luật đầu tư 2020) hay 9 hành vị bị cấm trong Dự thảo so với 7 hành vi vi phạm đấu thầu trong Bộ luật hình sự 2017.
Tương tự như vậy, các quy định về hợp đồng tại Dự thảo có nhiều điểm hoặc trùng hoặc khác biệt so với các quy định về hợp đồng của Luật xây dựng … Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy cho các chủ thể tham gia đấu thầu về độ an toàn pháp lý bao gồm việc thực hiện hợp đồng, giải quyết tranh chấp và sau đó là xử lý vi phạm hình sự.
Thứ ba, là các quy định về bảo đảm cạnh tranh trong Dự thảo chưa được đầu tư đúng mức dù Điều 6 Dự thảo đã có quy định này nhưng nội dung của điều này là để bảo đảm tính khách quan qua quy định các chủ thể tham gia đấu thầu phải độc lập. Cần có thêm các quy định để bảo đảm bất kỳ tổ chức nào đáp ứng đủ điều kiện đều có cơ hội ngang nhau để dự thầu như tuyên bố tại Chính sách 2 của Ban soạn thảo “ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu”.
Ngoài ra, việc mở rộng nhiều quy định chỉ định thầu trong Dự thảo (12 trường hợp) so với Luật Đấu thầu 2013 (6 trường hợp) là chưa bảo đảm chính sách cạnh tranh trong đấu thầu như ý kiến của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam.
Thứ tư, một số điều trong Dự thảo quy định quá cứng, không hợp lý, khó khả thi. Ví dụ Khoản 8 Điều 16 : “Cấm chuyển nhượng thầu” trong đó có quy định 4 trường hợp cấm nhà thầu chuyển nhượng mà theo ý kiến của doanh nghiệp quy định như vậy là quá cứng, không phù hợp với thực tiễn phát sinh trong hoạt động đấu thầu của Tổng công ty Vinaconex.
Ý kiến của Tổng công ty Vinaconex (nguồn: VIAC)
“Ngay từ khi dự thầu, nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ. Thực tiễn đối với các dự án đầu tư và xây dựng cho thấy các gói thầu xây lắp thường là có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố nhưng điều kiện thời tiết, giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các nhà thầu thực hiện gói thầu mà tại thời điểm tham dự thầu, nhà thầu chưa thể dự kiến về phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ hoặc trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh rút ngắn tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác.
Khi đó, có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc vượt quá giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng. Vì vậy việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo sự linh hoạt của các chủ thể trong quá trình thực hiện.
Để thực hiện Luật Đấu thầu được chặt chẽ phù hợp với thực tiễn, đề nghị xem xét nghiên cứu sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu đổi theo hướng bổ sung quy định đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận thì không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.
Trong thực tiễn xây lắp, có nhiều tình huống liên quan đến những vấn đề như thuê thiết bị, thuê nhân công, các hạng mục công việc đặc thù mà để bảo đảm chất lượng thì cần đơn vị chế tạo và lắp đặt đồng bộ. Trường hợp này đề nghị mang tính đặc thù không tính vào phạm vi giao thầu”.
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, trường hợp trên nếu vi phạm rất có thể bị xử lý hình sự vì trong Bộ luật hình sự 2017 (Điều 222) cũng có quy định cấm chuyển nhượng thầu. Do đó, cần thiết kế điều khoản này một cách khả thi, thực tế hơn đồng thời cần rà soát, đối chiếu với các quy định về tội phạm hình sự có liên quan để bảo đảm tính thống nhất.
Bên cạnh đó, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng một số quy định cần bảo đảm chính sách hội nhập, phát triển, trong đó các yếu tố thị trường (chăm sóc khách hàng thông qua khuyến mãi, hậu mãi…) cũng như sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ mà mọi ý muốn quản lý tập trung dù với động cơ tốt, hay quá tập trung cho yếu tố giá trúng thầu đều không hiệu quả.
Vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng VIAC dẫn chứng việc quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế, cụ thể là đấu thầu tập trung mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, nhất là thiết bị y tế, một loại hàng hóa rất đặc biệt vì tính đa dạng của sản phẩm, khả năng thay đổi rất nhanh chóng, gắn với khuyến mãi, hậu mãi, đào tạo, hướng dẫn mà việc mua sắm tập trung sẽ gần như triệt tiêu chuỗi giá trị cung ứng này, gây khó khăn cho các cơ sở y tế lẫn quyền lợi của người bệnh…
Theo đó, có một thực tế là hàng năm có hằng trăm nghìn thiết bị y tế được mua bán trên thị trường, được cải tiến, sửa đổi thường xuyên thử hỏi là nguồn lực nào, cập nhật bằng cách nào để Bộ Y tế ban hành danh mục sản phẩm thiết bị y tế mua sắm tập trung trong khi chỉ có các cơ sở y tế mới biết là cần mua sắm gì cho người bệnh…