LPBank vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với tổng thu nhập hoạt động đạt 4.688 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm tỷ trọng lớn nhất với 3.282 tỷ đồng, giảm 5%. Còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 1,2% so với quý I/2024.
Trừ chi phí, LPBank lãi trước thuế 3.175 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.533 tỷ đồng, cũng tăng hơn 10%. Theo giải trình, lợi nhuận của nhà băng quý này tăng là nhờ khoản lãi từ hoạt động khác tăng hơn 420 tỷ đồng so với quý I/2024. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng tín dụng, tinh gọn tổ chức giúp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động giảm so với cùng kỳ.
Cuối quý I/2025, tổng tài sản của LPBank đạt 499.894 tỷ đồng, giảm 8.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 352.194 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2024 và tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi của khách hàng đạt 293.155 tỷ đồng, tăng 3,5%.
Số nhân viên của nhà băng này tại ngày 31/3 đạt 9.570 người, giảm 1.619 người sau 3 tháng. Chi phí nhân viên là hơn 732,8 tỷ đồng. Như vậy, mỗi nhân viên của ngân hàng này có thu nhập bình quân hơn 25 triệu đồng mỗi tháng, tăng so với mức hơn 22 triệu đồng của năm ngoái.
Năm 2025, nhà băng này trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế 14.868 tỷ đồng, tăng 22,2% so năm 2024. Tổng tài sản dự kiến tăng 3,5%, đạt 525.890 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng này đã hoàn thành hơn 21% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngoài ra, ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2024 bằng tiền tỷ lệ 25%, tức mỗi cổ phiếu nhận 2.500 đồng. Đây là lần đầu kể từ năm 2017 khi nhà băng này chia cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 10%).
Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy hai năm liền không nhận lương của LPBank
Theo thông tin do LPBank công bố, Chủ tịch ngân hàng này là ông Nguyễn Đức Thụy không nhận thù lao năm thứ hai liên tiếp dù ngân sách dành cho ông và các lãnh đạo ngân hàng lên đến 50 tỷ đồng.
Cụ thể, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank, trước đây là LienVietPostBank) cho thấy ông Nguyễn Đức Thụy là người duy nhất trong Hội đồng quản trị không nhận thù lao.

Ông Thụy, sinh năm 1976, tham gia vào Hội đồng quản trị LPBank từ cuối tháng 4/2021 và trở thành chủ tịch vào 12/2022. Trong năm đầu tiên là chủ tịch, ông nhận thù lao gần 3,9 tỷ đồng. Ông hiện sở hữu hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương đương 2,76% vốn ngân hàng này.
Năm ngoái, tổng thù lao của dàn lãnh đạo LPBank thấp hơn nhiều so với mức 50 tỷ đồng được cổ đông thông qua.
Cụ thể, ba phó chủ tịch gồm ông Nguyễn Văn Thùy, Hồ Nam Tiến và Bùi Thái Hà nhận 1,2 tỷ đồng mỗi người, cao hơn năm trước khoảng 400 triệu đồng. Các thành viên khác trong Hội đồng quản trị nhận khoảng 1 tỷ đồng.
Ban kiểm soát LPBank nhận tổng cộng 2,6 tỷ đồng, thấp hơn không đáng kể so với năm trước. Ban điều hành và kế toán trưởng nhận tổng cộng 9,4 tỷ đồng.
Trong năm 2024, LPBank năm ngoái dành hơn 3.150 tỷ đồng để chi lương, thưởng cho 11.505 nhân viên. Lương bình quân hàng tháng của mỗi nhân viên là 19,76 triệu đồng, còn thu nhập bình quân khoảng 22,8 triệu đồng, giảm khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng so với năm trước đó.
Năm 2024, LPBank báo lãi trước thuế 12.168 tỷ đồng, hoàn thành 116% mục tiêu lãi và chính thức gia nhập nhóm ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm hơn 508.330 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Nợ xấu (nhóm 3-5) xấp xỉ 5.200 đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,34% lên 1,57%.
LPBank, tên cũ là Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, được đổi tên vào giữa tháng 7/2024. Hiện ngân hàng có hai cổ đông nắm trên 1% vốn là ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Trong đó, VNPost đang nắm gần 167,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ 6,54%. Còn ông Nguyễn Đức Thụy sở hữu hơn 70,7 triệu cổ phiếu.