“Khi được hỏi rằng vào năm 2030 những nghề nào sẽ biến mất, tôi trả lời nghề đầu tiên là giáo viên. Không hẳn là biến mất, nhưng sẽ giảm 2/3”, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết tại buổi tọa đàm Whose Chance Talk, do chương trình “Cơ Hội Cho Ai?” tổ chức tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP. HCM).
Phát biểu trên được đưa ra sau khi một sinh viên hỏi rằng ChatGPT ra đời có khiến các sinh viên gen Z (những người sinh từ năm 1997-2012) ra trường có nguy cơ thất nghiệp cao hay không.
Đề cập tới nghề giáo viên, ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra rằng các giảng viên tại trường Hồng Bàng đang phải đối diện với thực tế là “những bài giảng hay nhất thế giới của những giáo sư nổi tiếng nhất thế giới, từ những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới” đang có sẵn trên nền tảng Coursera và miễn phí, thi lấy chứng chỉ mới mất tiền.
“Như vậy, các em ngồi ở Hồng Bàng có điều kiện học những giáo trình hay nhất thế giới của những giáo sư nổi tiếng nhất thế giới. Khác với việc thầy cô cứ giảng, các em cứ nghe, phần giáo trình đó còn có tương tác liên tục. Cứ 3-4 phút các em lại được hỏi một lần, nếu không hiểu sau 3 lần như vậy, video sẽ tắt và quay lại từ đầu. Tức là lúc nào mình cũng phải nghe, hiểu và trả lời. Bài giảng tân tiến hơn ở Hồng Bàng rất nhiều”, ông Tiến giải thích lý do cho lời “tiên đoán” về nghề giáo viên.
Trên cơ sở này, ông đánh giá thách thức đối với các thầy cô giáo hiện nay là làm sao để trong vài năm nữa không bị AI thay thế.
Tiếp tục chủ đề thị trường việc làm trong tương lai khi AI đang ngày càng phát triển, ông Tiến còn dự đoán vào năm 2030, Digital Marketing và Content Marketing sẽ nằm trong số 2 nghề “hot” nhất thị trường, nhưng cũng là 2 nghề dễ mất việc nhất.
Để chứng minh luận điểm này, vị Chủ tịch kể lại chuyện ông từng yêu cầu các sinh viên làm một content về quảng cáo trà sữa, đồng thời hỏi ChatGPT bản 3.5 cũng câu hỏi đấy.
Kết quả là các sinh viên đều thua ChatGPT, bởi theo ông Tiến, ứng dụng này đã lấy content của khoảng vài nghìn chương trình quảng cáo về trà sữa trên thế giới để tổng hợp ra một video.
“Tôi nghĩ đấy là thách thức với các bạn. Nếu không có khả năng tư duy độc lập, các bạn sẽ trở thành người bình thường và nhanh chóng trở nên tầm thường. Nếu là người xuất sắc, không có AI hay ChatGPT nào có thể thay thế bạn được”, ông Tiến kết luận.
Để gen Z rèn luyện tư duy độc lập giữa hàng loạt yếu tố tác động như mạng xã hội, tâm lý đám đông, ông Tiến cũng đưa ra một số lời khuyên.
“Để đánh giá một người, chúng tôi dựa vào 5 điều. Thứ nhất là tố chất, tố chất là do trời sinh. Thứ hai là phẩm chất do rèn luyện, ví dụ như đúng giờ là một phẩm chất. Thứ ba là kiến thức do học tập. Thứ tư là năng lực do thử thách. Có những người đến năm 50 tuổi không có năng lực nào hết. Thứ năm là kinh nghiệm do thời gian”, ông nói.
Chủ tịch FPT Telecom cho biết đây là 5 điều không chỉ sinh viên, mà ngay cả những người trưởng thành trong xã hội cũng phải rèn luyện mỗi ngày.
“Khi ấy, điều các bạn phát biểu ra, cách bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình mới đủ độ chín chắn”, ông cho hay.