Phiên sáng nay, dầu WTI tăng 0,52 USD/thùng lên mức 68,13 USD/thùng; dầu Brent giảm 3,76 USD/thùng xuống mức 73,69 USD/thùng.
Như vậy, sau phiên giảm hơn 6% hôm qua, giá WTI tăng nhẹ, trong khi Brent tiếp tục rớt thảm.
Cả hai loại dầu chuẩn chuẩn đều đạt mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 và đã giảm trong ba ngày liên tiếp.
Nguyên nhân tạo nên cú sốc này đến từ việc, thị trường đã chứng kiến giá cổ phiếu của ngân hàng Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sĩ lao dốc, bởi những lo ngại xung quanh vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ.
Tin tức về ngân hàng Credit Suisse nhanh chóng khiến cho dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu. Các nhà đầu tư chuyển hướng sang nắm giữ các loại tài sản có tính an toàn và thanh khoản cao như đồng bạc xanh.
Tâm lý hoảng loạn cùng với áp lực bán đột ngột tăng mạnh khiến cho giá dầu thô giảm mạnh. Trong khi đó, đồng USD cũng mạnh lên so với rổ tiền tệ, khiến chi phí mua dầu đắt đỏ hơn.... điều này đã hạn chế sức mua.
Bên cạnh đó, hai báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) không mang lại bất kỳ sự hỗ trợ nào cho giá dầu, trái lại còn làm gia tăng lực bán.
Cụ thể, IEA ước tính nhu cầu tiêu thụ sẽ cán mốc kỷ lục 102 triệu thùng/ngày trong năm nay, tuy nhiên thị trường dầu vẫn đối mặt với nguy cơ dư cung trong nửa đầu năm 2023.
Mức thặng dư sẽ được thu hẹp và có thể chuyển sang thâm hụt vào nửa cuối năm khi nhu cầu dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Mặt khác, tồn kho dầu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tăng thêm 54,8 triệu thùng lên 2,85 tỷ thùng, mức cao nhất trong vòng 18 tháng.
Báo cáo của EIA trong phiên tối cũng cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/3, lên mức 851,6 triệu thùng.
Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 2,1 triệu thùng và 2,5 triệu thùng. Mức thay đổi khiêm tốn cộng với số liệu không bất ngờ so với dự báo của thị trường khiến cho báo cáo tuần của EIA tương đối mờ nhạt và không tạo được sức mua với thị trường.
Hiện nguồn cung dầu thô không còn phải đối mặt với tình trạng bị thắt chặt trong ngắn hạn, trong khi đó triển vọng tiêu thụ ngày càng kém khả quan do những rủi ro suy thoái kinh tế.
Các tin tức này đã khiến cho sức bán hoàn toàn áp đảo trong phiên hôm qua và đẩy giá dầu về mức thấp nhất trong vòng hơn một năm.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều hành ngày 13/3 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, Liên Bộ quyết định tăng 385 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 493 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.806 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.818 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, dầu diesel tăng 247 đồng/lít không cao hơn 20.502 đồng/lít, dầu hỏa tăng 241 đồng/lít lên 20.715 đồng/lít.
Kỳ điều hành này tiếp tục không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 250 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 0 đồng/kg (như kỳ trước).
Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng sau 2 lần giảm liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 5 lần tăng, 2 lần giảm và một lần giữ nguyên.