Ngành ngân hàng vẫn chịu các quy định giám sát chặt chẽ khi các ngân hàng Mỹ phải đối mặt với khoản lỗ chưa thực hiện hàng trăm tỷ USD chưa thực hiện, với một số ước tính lên tới 1,7 nghìn tỷ USD. Sự chú ý đặc biệt chuyển sang Bank of America với bảng cân đối kế toán ước tính khoảng 2,39 nghìn tỷ USD.
Bank of America đang “gánh chịu hậu quả” cho những quyết định được đưa ra cách đây 3 năm. Khi đó, ngân hàng này đã sử dụng phần lớn số tiền gửi 670 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch vào thị trường trái phiếu, lúc trái phiếu được giao dịch với mức giá cao và lợi suất suất thấp.
Khoản đầu tư này đã khiến BofA - ngân hàng lớn thứ 2 nước Mỹ, đang có khoản lỗ chưa thực hiện khoảng 109 tỷ USD vào cuối quý I/2023, theo dữ liệu từ FDIC. Con số này thậm chí còn vượt xa so với các khoản lỗ từ đầu tư trái phiếu của các ngân hàng lớn khác.
Hiện tại, khi lợi suất tăng và giá trái phiếu sụt giảm, giá trị danh mục đầu tư của BofA cũng đi xuống. Ngược lại, JPMorgan và Wells Fargo - 2 ngân hàng lớn nhất và lớn thứ 3 nước Mỹ, có khoản lỗ chưa thực hiện khoảng 40 tỷ USD trên thị trường trái phiếu. Citigroup là 25 tỷ USD.
Dữ liệu của FDIC cho thấy, khoản lỗ của BofA chiếm tới 1/5 trong số 515 tỷ USD khoản lỗ chưa thực hiện trong danh mục đầu tư chứng khoán của 4.500 ngân hàng của Mỹ vào cuối quý I.
Dick Bove, nhà phân tích kỳ cựu ngành ngân hàng, nhận định: “Giám đốc của BofA Brian Moynihan đã có những động thái cực kỳ phi thường trong việc xử lý cách vận hành của ngân hàng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bảng cân đối kế toán của BofA, mọi thứ thực sự hỗn loạn.”
Trong khi đó, BofA cho biết, họ không có ý định bán trái phiếu với mức giá chiết khấu, nhằm tránh những khoản lỗ mà hiện chỉ tồn tại trên giấy tờ. Danh mục đầu tư của ngân hàng này bao gồm các chứng khoán được chính phủ hỗ trợ có lãi suất cao, có thể sẽ được hoàn trả khi các khoản vay cơ bản đáo hạn.
Tuy nhiên, nhiều trong số đó là những khoản vay mua nhà thời hạn 30 năm, vốn có lợi suất cao vào thời điểm BofA mua. Việc tiếp tục nắm giữ những khoản đầu tư có lợi suất tương đối thấp này có thể hạn chế mức lợi nhuận mà BofA có được từ tiền gửi của khách hàng.
Trong nhiều năm lãi suất ở mức thấp, quy định được siết chặt và tăng trưởng kinh tế ảm đạm đã thúc đẩy các ngân hàng thuộc mọi quy mô đổ thêm tiền gửi vào trái phiếu, các chứng khoán khác hoặc cho cả những bên uy tín thấp vay.
Theo FDIC, từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2022, tổng giá trị chứng khoán, chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp được bảo hiểm, ở các ngân hàng đã tăng 54%, tương đương 2 nghìn tỷ USD và tăng nhanh gấp đôi so với tổng giá trị tài sản của họ.
Silicon Valley Bank là một ví dụ điển hình của chiến lược này và cho thấy bước đi này phản tác dụng như thế nào. Ngân hàng này đã sụp đổ hồi tháng 3, báo lỗ 1,8 tỷ USD sau khi bán một phần danh mục đầu tư chứng khoán.
Còn BofA có 370 tỷ USD tiền mặt và không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản như SVB. Trên thực tế, BofA và các ngân hàng lớn khác đều đón nhận dòng tiền gửi dồi dào từ khách hàng sau khi một số ngân hàng khu vực gặp khó khăn. Hầu hết các khoản vay mua nhà đều được thanh toán sớm hơn thời hạn 30 năm. Nếu lãi suất giảm trở lại, thì trái phiếu mà BofA nắm giữ sẽ hồi phục.
Dẫu vậy, các nhà phân tích cho biết, ảnh hưởng của “bước đi sai lầm” này lại được nhà đầu tư của BofA rất chú ý. Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm khoảng 13% trong năm nay.
Ngoài ra, NIM của BofA cũng sẽ chịu tác động. Trong nhiều năm, JPMorgan và BofA gần như ngang bằng nhau khi xét đến thước đo này. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, JPMorgan lại vượt lên và trong quý I, NIM đạt 2,6% trong khi BofA là 2,2%.
Alastair Borthwick, CFO của BofA, cho biết, BofA đang trong quá trình cắt giảm các khoản đầu tư chứng khoán, vốn đã xuống còn 760 tỷ USD vào cuối quý I từ mức cao nhất là 940 tỷ USD vào cuối năm 2021.
Tham khảo FT