Điểm sáng năm 2022
Số liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy tính đến 20/12, ngành kinh doanh Bất động sản đứng thứ hai trong số các ngành, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đăng ký.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, có 2.036 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Ngoài ra có 3.566 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 5,15 tỷ USD, giảm 25,2% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là ngành dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD.
Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án.
Đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 39,7% so với cùng kỳ 2021.
Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ.
Phân theo khu vực, TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ.
Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính lũy kế đến ngày 20/12, cả nước có 36.278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên gần 438,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Triển vọng năm 2023
Nhận định về triển vọng thu hút vốn FDI của thị trường bất động sản trong năm 2023, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2023, luồng tiền đến từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài “vô cùng tươi sáng”.
Theo thông tin từ ông Chung, vừa qua hơn 200 đại diện cấp cao của các công ty đầu tư hàng đầu bình chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất, nhì trong nhóm các thị trường mới nổi, đồng thời lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Chia sẻ thêm về luồng vốn FDI, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savill Việt Nam, thừa nhận Việt Nam được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm.
“Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, tới nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu với nhóm ngành sản xuất - chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định đây là một trong những nguồn lực quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi đặt vào bối cảnh hiện nay”, ông Neil MacGregor nói.
Chia sẻ quan điểm trên, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, đánh giá: “Dòng vốn ngoại ở Việt Nam đã giúp người dân nói chung cải thiện thu nhập, việc thu hút đầu tư FDI tại miền Bắc chiếm 37% và miền Nam, đặc biệt Đông Nam bộ chiếm 41% cũng ảnh hưởng nhiều tới thị trường bất động sản”.