Tại hội thảo “Quản lý rủi ro trong giao thương quốc tế” do UOB Group tổ chức mới đây, ông Đặng Tuấn Duy - Khối thị trường toàn cầu UOB cho biết, đến cuối tháng 8, mặc dù có một số áp lực lên lạm phát lõi và toàn phần, song chỉ tiêu này vẫn được kiểm soát dưới 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Trên cơ sở đó, “bão giá” chưa đủ buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Về tỷ giá, chuyên gia từ UOB cho rằng, lạm phát Mỹ vẫn còn đang khá phức tạp và FED chưa có dự định nới lỏng tiền tệ trong năm 2023. Điều này dẫn đến việc từ nay đến cuối năm, lãi suất USD vẫn cao hơn và chưa thể thu hẹp khoảng cách so với lãi suất VND. Do đó, thời gian tới tỷ giá sẽ phải chịu không ít áp lực. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn để ngỏ khả năng hạ lãi suất một lần nữa, khiến cho đồng Nhân dân tệ có thể tiếp tục giảm giá so với USD. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo tính cạnh tranh trong xuất khẩu, Việt Nam khó có thể nâng giá đồng nội tệ.
Ông Duy nói thêm, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm, nhờ vào cán cân thương mại thặng dư, giải ngân FDI tốt nên NHNN đã có thể mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Trên cơ sở đó, nhà điều hành vẫn có dư địa ổn định tỷ giá. Đồng thời NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành một lần nữa trong quý III/2023.
“UOB dự báo tỷ giá sẽ còn nhiều áp lực và giá USD sẽ chạm ngưỡng 24.500 VND trong quý 3/2023 trước khi hạ nhiệt trong quý 4/2023. Đồng thời, chúng tôi cho rằng lãi suất điều hành, cụ thể là lãi suất tái cấp vốn có thể Việt Nam có thể giảm từ 4,5% về mức 3,5%, tức giảm thêm 100 điểm tương đương với 1%. Tuy nhiên, việc ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục lãi suất điều hành, dẫn đến đồng nhân tệ có thể giảm giá sâu hơn gây áp lực lên VND vẫn là một vấn đề cần được đặc biệt lưu ý”, ông Đặng Tuấn Duy cho biết.
Trong khi báo cáo vĩ mô tháng 9 được công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố trước đó cho thấy, với việc lãi suất huy động giảm mạnh trong tháng 8, tín dụng phục hồi trong khi thanh khoản hệ thống không chịu quá nhiều áp lực trong tháng 9, cùng với yếu tố lạm phát tăng trở lại, chưa cần thiết để NHNN phải giảm tiếp lãi suất điều hành trong quý 3/2023. Đồng thời, kịch bản cơ sở hiện tại là mặt bằng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên cho đến hết năm nay.
Mặt khác, báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng của công ty Chứng khoán Yuanta lại cho thấy, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Ở góc nhìn của công ty chứng khoán VNDirect, định hướng của NHNN là giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành càng thu hẹp.
Nhìn chung, giới phân tích đang nhìn nhận áp lực tỷ giá, lạm phát, cùng khả năng thẩm thấu của các chính sách nới lỏng tiền tệ trước đó là các yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hạ lãi suất điều hành của NHNN. Đồng thời, các dự báo về dư địa hạ lãi suất điều hành cũng đang có sự phân hóa. Trong đó, phần lớn kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ hạ từ 0,5-1% vào cuối quý 3/2203 hoặc quý 4/2023, trong khi một số khác đánh giá NHNN có thể sẽ không tiếp tục giảm.