Nhóm nghiên cứu này chỉ ra đồng rúp rớt giá mạnh kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đồng rúp đã giảm khoảng 27% kể từ tháng 2 năm 2022 và có khả năng tiếp tục mất giá khi các yếu tố kinh tế gây áp lực lên đồng tiền này.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân gốc rễ xuất phát từ xung đột và các lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với đó là việc việc tăng chi tiêu cho quân sự.
Nhu cầu về đồng rúp của Nga đã giảm ngay từ đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Đồng tiền này giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Ngân hàng trung ương Nga đã thực hiện các biện pháp để hỗ trợ đồng rúp, nhưng nhu cầu vẫn yếu. Các hạn chế thương mại của phương Tây đã ngăn cản Nga xuất khẩu nhiều như trước đây.
Các lệnh trừng phạt cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu về đồng rúp. Gần đây nhất, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính của Nga, bao gồm ngân hàng lớn thứ ba còn lại là Gazprombank. Các nhà nghiên cứu cho biết điều đó đã thúc đẩy các nhà giao dịch mua nhiều ngoại tệ hơn, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của đồng rúp.
Trong khi đó, Nga dường như không còn nhiều lựa chọn để hỗ trợ đồng rúp. Ngân hàng trung ương có khả năng can thiệp vào thị trường, nhưng Quỹ Tài sản Quốc gia ghi nhận lượng rúp còn lại giảm.
Các ngân hàng trung ương cũng có thể tăng lãi suất để hỗ trợ giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, lãi suất của Nga hiện đã ở mức rất cao. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách khó có thể tăng lãi suất thêm nữa mà không gây ra thiệt hại cho nền kinh tế.
Nga đã nâng lãi suất lên 21% để kiềm chế lạm phát. Nhóm nghiên cứu ước tính ngân hàng trung ương có thể sẽ cần tăng lãi suất thêm 8 điểm phần trăm nữa để có thể thực sự hỗ trợ được đồng rúp.
Các nhà hoạch định chính sách dùng tuyên bố để xoa dịu lo ngại về sự sụt giảm của đồng rúp. Tháng trước, Tổng thống Putin cho biết không có lý do gì để lo lắng về sự trượt giá của đồng rúp. Ông Putin nói thêm rằng tình hình "đang được kiểm soát”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Carnegie cho biết những biện pháp trên đủ để tạm thời ngăn đồng rúp mất giá, nhưng có khả năng đồng tiền này sẽ còn giảm trong tương lai. Họ chỉ ra rằng những nguyên nhân cơ bản kể trên khiến đồng rúp yếu đi vẫn chưa biến mất.
Nền kinh tế Nga đã trụ vững, nhưng đất nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Lạm phát dao động quanh mức 9,32% và triển vọng tăng trưởng dài hạn kém. Một số nhà kinh tế cảnh báo về tình trạng lạm phát đình trệ tiềm tàng trong tương lai.
Theo MI