Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có đề cập đến khả năng đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đây là ngành có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ.
Để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, Bộ cho rằng cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.
Doanh nghiệp: Ngành game tại Việt Nam phải đối diện nhiều định kiến
Tại Hội thảo Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về Đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho biết hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online.
Ông chỉ ra rằng nhiều người lo ngại tác động tiêu cực với trẻ em như gây mất thời gian, khiến trẻ lười vận động. Tuy nhiên, ông cũng cho hay nhiều game hiện nay được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng, khả năng phản xạ.
Về phía các doanh nghiệp, ông Lã Xuân Thắng – Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG khẳng định ngành game là trụ cột trong nội dung số và kinh tế số. Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD, dự kiến tăng lên 194 tỷ USD trong năm nay.
Ông còn cho biết game (cùng thương mại điện tử) đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thanh toán không tiền mặt; góp phần phát triển ngành công nghiệp phần cứng như máy tính, smartphone, chip xử lý, card đồ họa…; đồng thời dẫn dắt các xu hướng công nghệ mới như AI, blockchain, AR…
Bổ sung về tác động tích cực của ngành game, ông Đào Quang Tuấn – Phó Tổng giám đốc Funtap cho biết game có thể giúp phát triển trí tuệ và kỹ năng của con người, quảng bá hình ảnh đất nước. Theo thống kê từ Data.ai, cứ 25 game mobile được tải về thì có 1 game do nhà phát hành Việt Nam sản xuất.
Mặc dù vậy, ông Thắng đánh giá ngành game tại Việt Nam phải đối diện nhiều định kiến. “Suốt những năm qua, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác”, ông nói.
Lãnh đạo VNG còn chỉ ra vấn đề là hầu hết nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Còn tất cả game muốn phát hành chính thống đều phải được Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng ý.
Ông Thắng phân tích rằng trong trường hợp bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do những công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp, khiến họ không thể cạnh tranh.
“Việc này dẫn đến 2 hệ lụy: không đạt được mục đích áp thuế là hạn chế người chơi game, đồng thời doanh nghiệp trong nước tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm doanh thu, không thể đóng góp cho nền kinh tế số như kỳ vọng của Chính phủ”, ông nêu quan điểm.
Chuyên gia Cấn Văn Lực: "Game có gây nghiện hay không, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hay không?"
Sau khi nghe quan điểm từ phía các Hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực nêu lý do nhiều người tại Việt Nam “hơi dị ứng” với game.
“Đến nay, các quan chức, những người làm chính sách và một bộ phận phụ huynh đang cân nhắc về nhiều rủi ro. Trước hết là game lậu – thứ chúng ta không bao giờ đánh thuế được. Tiếp đó, game có thể gây nghiện hay không, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hay không?”, ông đặt câu hỏi.
“Đây là những việc cần làm rõ hơn. Giống như chuyện đề xuất đánh thuế doanh nghiệp bán đồ uống có đường với lý do có thể gây béo phì, nhưng đó chỉ là một trong rất ít nguyên nhân gây béo phì”.
“Rủi ro thứ 3 mà khá nhiều người quan tâm là liệu game online có dẫn đến nguy cơ đánh bạc, cá độ hay không? Tôi rất mong muốn khi làm chính sách chúng ta phải biết được các rủi ro nếu có, cũng như cách phòng tránh”, vị chuyên gia trình bày.
Xét đến thực tế của ngành game tại Việt Nam, ông Lực đánh giá mức độ phát triển không quá mạnh. Trong ASEAN, hai nước mạnh nhất là Indonesia – với thị phần 33% và Thái Lan – khoảng 18%. Ông Lực ước tính Việt Nam chiếm khoảng 10% thị phần và lượng game từ nước ngoài du nhập vào rất lớn.
“Tôi cũng hơi phân vân về con số gần 700 triệu USD doanh thu từ ngành game tại Việt Nam. Mặc dù tăng trưởng 17-18%, nhưng tôi thấy con số này có vẻ đang giảm do vấn đề game lậu. Chúng ta cũng nên nhớ trong số 700 triệu USD này, không phải ai cũng có lãi để đánh thuế. Do đó, mức độ thực thu từ thuế sẽ không quá lớn”, ông phân tích về trường hợp nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.
Về kiến nghị đối với phía doanh nghiệp, ông Lực bày tỏ mong muốn họ chia sẻ thêm về cơ cấu doanh thu, bao nhiêu phần trăm thu nhập là từ quảng cáo, bao nhiêu là từ thu phí người tiêu dùng. “Biết được điều này để giả sử đánh thuế cũng phải đánh trúng và đúng nơi”, ông nói.
Cũng theo chuyên gia này, cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng và mức độ tác động của game online, đặc biệt là lý do áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông cho rằng cơ quan quản lý “phải hết sức cân nhắc” do các số liệu chưa khớp, đồng thời phải trả lời câu hỏi là liệu tính thuế có điều chỉnh được hành vi người tiêu dùng không, hay lại khiến cho doanh nghiệp khó khăn hơn – điều không ai mong muốn.
“Cuối cùng, tôi kiến nghị có hướng dẫn kiểm soát hành vi người tiêu dùng, như tạo lập văn hóa game, từ đó cũng thúc đẩy phát triển. Tiếp đó là làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ về đánh bạc, cá độ nếu có, cũng như vấn đề nghiện game, không tốt cho sức khỏe”, ông Lực bày tỏ.