Nghề dệt đũi Nam Cao đã có từ cách đây 400 năm, “ông tổ” của nghề là các nàng dâu ở xứ khác mang đến, nhưng đã truyền cho cả dân làng làm nghề. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, nơi đây tấp nập kẻ mua người bán, lụa được xuất xưởng đi các nước trong khu vực và châu Âu. Thế rồi do khủng hoảng kinh tế, cũng như thói quen tiêu dùng, làng nghề teo tóp lại chỉ còn 3 hộ.
Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX Lụa đũi Nam Cao cho biết, hồi năm 2012 khi bà Hạnh về đây, làng nghề bế tắc, không tìm được hướng đi đã thôi thúc bà cần phải bảo tồn lại làng nghề. Không đơn giản chỉ là mua và bán mà HTX còn đồng hành cùng bà con, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và giữ gìn nghề truyền thống phát triển.
Sau 10 năm với tâm huyết của bà Lương Thanh Hạnh, một người có đam mê các sản phẩm truyền thống dệt may đã thành lập HTX Lụa đũi Nam Cao, hồi sinh làng nghề này đến nay phát triển thành 200 hộ.
Theo bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX lụa đũi Nam Cao, nguyên liệu kén tằm được HTX nhập từ Vũ Thư (Thái Bình) và từ Lâm Đồng. Đây là hai địa phương sản xuất kén truyền thống (kén gié) của Việt Nam và cho chất lượng lụa đũi đẹp, bền. Điều đặc biệt kén gié của Việt Nam có màu vàng tự nhiên, nên khi sản xuất ra tấm vải cũng có màu vàng lông gà non. Kén này chỉ nuôi được ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á có khí hậu nóng ấm tương tự. Cònở châu Âu khí hậu lạnh không nuôi được, nên dòng vải này rất được khách châu Âu ưa chuộng.
Để mục sở thị quy trình sản xuất ra tấm lụa đũi truyền thống, đích thân bà Lương Thanh Hạnh đã dẫn chúng tôi đến thăm từng nhà, bởi mỗi nhà làm một công đoạn và sản phẩm tơ cuối cùng được dệt tại HTX Lụa đũi Nam Cao. Bà Hạnh cho biết, kén tằm được HTX giao về cho hộ gia đình, các hộ gia đình làm đến đâu chuyển về cho HTX đến đó, hoặc HTX trực tiếp xuống từng nhà thu lại.
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Đình Hoà và bà Nguyễn Thị Mùi, thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Nam Cao làm công đoạn sơ sợi và đánh ống, mới thấy được hết sự đam mê nghề thủ công truyền thống. Trời mùa đông, nhưng tay bà Hoà thoăn thoắt se sợi trong chậu nước lạnh giá. Bà Hoà kể, công việc chính của gia đình là làm ruộng, nhưng khi làm xong đồng áng, sẽ tranh thủ tất cả thời gian để se sợi và ông đánh ống. Trung bình 1 tháng se được 2kg sợi, HTX thu mua giá 1,4 triệu đồng/kg. Yêu cầu của HTX là sợi se đều, đánh ống phải thật khô thì mới có thành phẩm lụa đẹp được.
“Gia đình tôi 4 đời làm nghề. Nghề này không khá vất vả cho thu nhập không thật sự cao, nhưng vì tôi yêu nghề, sợ mai một đi nên duy trì để truyền lại cho con cháu sau này”, bà Mùi tâm sự.
Có những bà cụ gần 80 tuổi như cụ Nguyễn Thị Bốn, vẫn miệt mài ngồi se sợi. Hỏi chuyện cụ bắt đầu làm nghề truyền thống này từ khi nào, cụ hóm hỉnh trả lời: “Đẻ từ khung cửi đẻ ra”. Gia đình cụ có nhiều đời làm nghề dệt lụa, nên lớn lên cụ cũng học theo bố mẹ kéo sợi, dệt vải, thậm chí chân không dậm được khung cửi nhưng vẫn làm. Với những gì đang làm hôm nay, cụ chia sẻ rằng làm việc để minh mẫn hơn, làm việc để kiếm được tiền trong lúc nhàn rỗi và đặc biệt cụ làm để giữ lại nghề cho con cháu.
“Công tôi kéo sợi không nhiều nhưng tôi vẫn làm, một trăm mẫu ruộng không bằng nghề trong tay, đó là nhân duyên với con đường tơ lụa, làm để giữ lại truyền thống một vùng quê”, bà Bốn chia sẻ.
Không chỉ có cụ Bốn, cụ Xuân Thị Phụng đã 84 tuổi còn đứng trước dàn đánh ống để mắc dệt, đứt sợi nào tay cụ thoăn thoắt nối lại sợi ấy. Chia sẻ với chúng tôi cụ cho biết, tuổi cao không công ty nào nhận, chỉ Hạnh silk tạo công ăn việc làm cho nhận đánh ống tại nhà. Chỉ vào dàn máy đánh ống cụ nói, dàn máy này đã 70 năm. Ban đầu con rể đánh ống, sau bán con cho trai. Con trai không làm nữa bán cho HTX, sau đó bà Hạnh đã mua cho bà đánh ống.
Để gìn giữ nghề truyền thống, người dân Nam Cao còn dạy cho con cháu của họ tiếp xúc với công việc này hàng ngày. Mỗi năm 1 lần, HTX Lụa đũi Nam Cao tổ chức cuộc thi cho các bà, các cháu thi tay nghề se sợi, đánh ống. Các nghệ nhân ở đây cũng rất mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nối được nghề dệt lụa.