Lạm phát vẫn là "bóng ma"

Hoàng Đàn | 23:43 05/12/2021

“Dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là bóng ma, nguy cơ tăng nợ xấu…”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương lưu ý.

Lạm phát vẫn là "bóng ma"
Trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, phiên chuyên đề 1 về: "Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế" đã diễn ra chiều 5/12.

Mở đầu phiên chuyên đề ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, chính sách tiền tệ tác động ở hai khía cạnh là lượng và giá, 2 lĩnh vực này tương hỗ lẫn nhau.

Về lượng, mục tiêu của hệ thống ngân hàng là bảo đảm duy trì thanh khoản của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và cho các doanh nghiệp.

Theo đó, ở góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, việc cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ nền kinh tế rất lớn; đã mua ngoại tệ khoảng 25 tỷ USD trong 2 năm qua. Ngân hàng Nhà nước cũng duy trì lượng thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn.

Còn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, do dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về trả nợ, cho vay mới. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp với điều kiện ngân hàng phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai, miễn giảm lãi suất cho khoản vay cũ và mới...

Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra là 12% trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế…”, ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hà cũng cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Các ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ. Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng nên cần lưu tâm vấn đề này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Việt Nam đã điều chỉnh linh hoạt cả thu và chi ngân sách Nhà nước để có nguồn hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, về thu ngân sách Nhà nước, đã thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí… hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, ước tính khoảng 130.000 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 con số này là 140.000 tỷ đồng.

Còn về chi ngân sách, riêng năm 2021 đã chi khoảng 76.000 tỷ đồng, ngoài ra Chính phủ cũng miễn giảm tiền điện, cước viễn thông, học phí.. Các chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Qua đó, tạo thêm nguồn lực để ứng phó với dịch Covid – 19.

“Việt Nam đã chấp nhận bội chi năm 2021 khoảng 4% GDP tính lại, đã tăng số vay nợ tuyệt đối lên rất nhiều so với giai đoạn trước…”, Thứ trưởng Bộ Tài Chính nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, cần có chính sách đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt.

Dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước.

Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là "bóng ma", nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách. Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lạm phát vẫn là "bóng ma"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO