Cần có cơ chế trao tiền cho người dân trong ngắn hạn

Xuân Hồng | 23:23 05/12/2021

Chiều 5/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã diễn ra phiên chuyên đề 2 với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Cần có cơ chế trao tiền cho người dân trong ngắn hạn
Tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng năng suất lao động vẫn rất thấp.

Mở đầu phiên thảo luận, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra báo cáo cho thấy, có khoảng 48% số lao động hiện nay cần đào tạo lại, 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được tương lai, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của dịch bệnh.

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, song chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề. Theo đó, trong số 55 triệu lao động nhưng chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ.

Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng chỉ xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng năng suất lao động vẫn rất thấp.

“Chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ thời cơ dân số vàng để bắt kịp các nền kinh tế trong khu vực nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng”, ông Trương Anh Dũng chỉ rõ.

Ông Trương Anh Dũng đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; kéo dài 1 - 2 năm nữa chính sách đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

Còn đối với trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn; tăng nhanh quy mô đào tạo.

Trong năm 2021, tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 75 - 80% chỉ tiêu, đồng nghĩa nguồn cung không đáp ứng cho thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp.

“Việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề cần được coi là trụ cột rất quan trọng để thích ứng trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, đồng thời đi vào tăng trưởng vào chiều sâu, bền vững”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, người dân, người lao động chịu tác động lớn nhất do dịch Covid-19 lại là đối tượng khó tiếp cận đến các gói hỗ trợ an sinh xã hội.

“Hiện cầu nội địa đang rất thấp. Do đó, nếu có cơ chế trao tiền cho người dân trong ngắn hạn, để người dân có thể chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thì doanh nghiệp sẽ nhận ngay được tác động tích cực”, ông Jonathan Pincus phân tích.

Cũng theo ông Jonathan Pincus, cách thức hỗ trợ tiền mặt cho người dân đã được nhiều Chính phủ thực hiện, đặc biệt dành cho đối tượng mất việc làm, mất thu nhập thường xuyên, đang phải tiêu dùng bằng nguồn tiết kiệm.

Nếu có tiền hỗ trợ, đây sẽ là đối tượng đưa ngay tiền vào tiêu dùng, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, như giáo dục, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Từ đó, cầu nội địa sẽ cải thiện ngay trong đầu năm 2022, tác động đến các cung khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Jonathan Pincus lưu ý thêm, giai đoạn phục hồi kinh tế sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm 2022, khi cầu nội đia được cải thiện, thúc đẩy nguồn cung, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa. Tuy nhiên, ngân sách sẽ phải chi tiền, chứ không chỉ trông vào hệ thống quỹ bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội như hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cần có cơ chế trao tiền cho người dân trong ngắn hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO