Lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát, phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

PV | 16:12 03/07/2024

Sau 6 tháng đầu năm, lạm phát đã tăng 2,75% so vời cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát, phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ. Ảnh: Int

Lạm phát Việt Nam vẫn được kiểm soát trong mục tiêu

Trong 6 tháng đầu năm 2024 , GDP cả nước đã tăng 6,42%; CPI bình quân tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao hơn của bình quân nhiều năm. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều... Theo số liệu có thể thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Theo Cục Quản lý giá, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định. Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (là những mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI) giá cả tương đối ổn định do sản xuất tăng trưởng khá cao, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giữ giá cả ổn định những tháng đầu năm. Về cơ bản, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm, xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết, nhưng sang đến tháng 3/2024, CPI đã quay đầu giảm và có xu hướng ổn định kéo dài. Các yếu tố chính làm tăng CPI bao gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, các mặt hàng thực phẩm, giao thông…

Trong bối cảnh chịu sức ép tăng giá từ các yếu tố nội tại và các yếu tố bên ngoài, lạm phát Việt Nam thời gian qua vẫn được kiểm soát trong mục tiêu. Sau 6 tháng đầu năm, lạm phát vẫn đang nằm trong vùng mục tiêu mà Quốc hội đề ra, PGS,TS. Ngô Trí Long nhận định.

PGS,TS. Ngô Trí Long cho biết thêm: “Đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dư địa điều hành lạm phát cả năm so với mục tiêu Quốc hội đề ra không hề hẹp, và đây cũng là cơ hội để điều hành giá các hàng hoá, dịch vụ do nhà nước quản lý trong 6 tháng còn lại”.

Áp lực lạm phát năm 2024 sẽ không lớn

Dự báo lạm phát cuối năm, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng: “Nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý III/2024, khi các tác động từ đợt tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023 giảm dần. Tính trung bình, CPI trong cả năm 2024 được dự báo sẽ tăng 3,4% (+/-0,2%)”.

Điểm lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý II/2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024. Các con số nêu trên đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.

giao-duc-1.jpg
Lạm phát so với cùng kỳ ở mức cao chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế , giáo dục trong quý III/2023. Ảnh: Int

Việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023. Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.

Hơn nữa, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy, áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng.

TS. Nguyễn Đức Độ dự báo, áp lực lạm phát năm nay sẽ không lớn. Theo đó, giá dầu dự báo không nhiều biến động mà tương đối ổn định cuối năm, dao động xung quanh mức 80 USD/thùng và khó tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.

Với những lo ngại về tăng lương, theo TS. Nguyễn Đức Độ, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.

Đồng quan điểm, PGS,TS. Ngô Trí Long nhận định, lạm phát mặc dù được kiểm soát trong ngưỡng mục tiêu nhưng lạm phát cơ bản có xu hướng tăng cao suốt từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2023 và từ giữa năm 2022 đến nay. Công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, sức ép, như việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu (điện, nước…), giá dịch vụ công; điều chỉnh tăng lương..., đòi hỏi chính sách điều hành giá, công tác kiểm soát lạm phát phải luôn chủ động, bám sát, thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời, phải sẵn sàng các kịch bản và giải pháp ứng phó cho từng tình huống phát sinh; xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên để linh hoạt lựa chọn thứ tự ưu tiên phù hợp với từng trường hợp phát sinh nhằm ban hành chính sách điều hành phù hợp.

Dẫn chứng nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam ở mức từ 4,2% - 4,5%, TS. Ngô Trí Long cho rằng, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5%.

Cục Quản lý giá dự báo thời gian tới, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.

Về thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát, phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO