Kinh tế Việt Nam đang cần một liều thuốc

Quỳnh Anh | 10:28 02/04/2023

GDP quý I/2023 của Việt Nam xuống sát mức thấp nhất 13 năm, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital kiêm nhà sáng lập TOPI nhận định nền kinh tế đang cần một liều thuốc đến từ chính sách tiền tệ.

Kinh tế Việt Nam đang cần một liều thuốc
Ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền.

Nội dung chính:

  • Thanh khoản dồi dào và lạm phát nằm trong tầm kiểm soát tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn các vấn đề khác. 
  • 2 cơ sở chính hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành là thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định và mặt bằng lãi suất giảm mạnh. 
  •  Hoạt động đầu tư, chi tiêu, sản xuất kinh doanh sẽ khó diễn ra nếu như lãi suất được điều chỉnh với tốc độ nhanh và ở mức cao như hiện nay.

Tại Tọa đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" tổ chức ngày 30/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào, không thiếu vốn. 

“Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của NHNN với việc giảm lãi suất chính là thông điệp gửi đến doanh nghiệp rằng chúng tôi đã và đang giảm lãi suất. Quan điểm của NHNN lúc này là phải tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã điều hành các NHTM tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới dự kiến sẽ vận động các NHTM giảm tiếp, giảm nhiều hay ít còn tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng” - Phó Thống đốc phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ngay sau đó, chiều tối ngày 31/3, NHNN ban hành quyết định giảm các loại lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 3/4/2023. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%; trần lãi suất huy động giảm 1%; lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng cho một số lĩnh vực giảm 0,5%... 

GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,23% so với cùng kỳ - gần thấp nhất trong gần 13 năm. Trong khi nền kinh tế bước vào chu kỳ đi xuống, GDP sụt giảm nhưng lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát, ông Tuấn cho rằng nền kinh tế cần có biện pháp kích cầu thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Nền kinh tế phải có một liều thuốc. Liều thuốc này giúp nền kinh tế khỏe lên trong ngắn hạn nhưng nếu dùng thuốc quá nhiều sẽ để lại hậu quả trong dài hạn” - ông Tuấn chia sẻ.

Việc giảm lãi suất điều hành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, doanh nghiệp tích cực vay vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

“Nếu chúng ta hạ lãi suất mà nguồn vốn không chảy vào sản xuất kinh doanh thì sẽ gặp vấn đề tương tự như thời kỳ Covid năm 2020 khi tiền chảy vào các lĩnh vực mang tính chất đầu cơ cao” - ông Tuấn cho biết.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất nhưng NHNN Việt Nam quyết định giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. 

Năm 2022, NHNN 2 lần liên tiếp tăng lãi suất điều hành với biên độ 1 điểm % nhưng bất ngờ giảm 1 điểm % vào giữa tháng 3/2023, phản ánh sự linh hoạt của cơ quan này khi đi ngược với chính sách của Fed. 

Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ có thể sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. “Tuy nhiên, cán cân thương mại quý I/2023 và nguồn vốn FDI vẫn dương nên tôi chưa lo lắm” - ông Tuấn nói thêm. 

Phó thống đốc Đào Minh Tú đã nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của điều hành chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng.

Cơ sở để NHNN điều chỉnh lãi suất

Ông Tuấn nêu ra 3 cơ sở chính để NHNN cân đối tỷ giá và tăng trưởng tín dụng nhằm hạ lãi suất điều hành:

Thứ nhất, những chỉ báo sớm như thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã ổn định, lãi suất vay qua đêm giảm mạnh từ hơn 6% hồi đầu tháng 3 xuống còn 1% - mức thấp nhất kể từ giữa năm ngoái

Thứ hai, các ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước đã xuống 7,5%/năm; các ngân hàng thương mại lớn cũng huy động ở mức 7,75%/năm cho kỳ hạn 1 năm; những ngân hàng còn lại đều niêm yết mức lãi suất dưới 10%/năm. Khi các ngân hàng cho nhau vay lãi suất thấp, kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng - ông Tuấn nói. 

Thứ ba, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng giảm mạnh còn hơn 3,4. Có thể thấy lãi suất ngắn hạn và dài hạn đều đi xuống với tốc độ nhanh. 

“Tôi kỳ vọng điều này càng xảy ra sớm để có công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp” - ông Tuấn nói thêm. 

Ngoài các chỉ số GDP và lạm phát, một số liệu đáng lưu ý là số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp mở mới. “Ở góc độ kinh tế, tôi thấy đây là tín hiệu kém khả quan vì chúng ta vẫn kỳ vọng Việt Nam đang ở chu kỳ phát triển, cần thêm nhiều doanh nghiệp để tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.” - ông Tuấn cho biết. 

Ông Tuấn đánh giá biên độ điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN tương đối gần nhau và khá “gấp”. Các nước láng giềng có quy mô kinh tế tương đồng như Thái Lan và Malaysia đều tăng từng bước nhỏ khoảng 0,25 điểm % trong khi Việt Nam lại tăng 1 điểm % trong 2 lần liên tiếp vào đầu quý IV/2022. 

Nếu có thêm các đợt điều chỉnh lãi suất trong tương lai, ông Tuấn kỳ vọng NHNN sẽ tăng/giảm với biên độ nhỏ hơn để thị trường kịp thời hấp thụ. Vì khi lãi suất giảm quá nhanh, dòng tiền cũng nhanh chóng trở nên rẻ hơn và dễ dàng chảy vào các tài sản rủi ro.

Ông Tuấn nhận định các hoạt động đầu tư, chi tiêu, sản xuất kinh doanh sẽ khó diễn ra nếu như lãi suất được điều chỉnh với tốc độ nhanh và ở mức cao như vậy.

Ngoài ra, nợ xấu ngành ngân hàng đang có xu hướng tăng do lãi suất cao khiến khả năng thanh toán bị ảnh hưởng và số dư trái phiếu đến hạn cao gây ra ảnh hưởng chéo. Ông Tuấn dự báo nợ xấu ngành ngân hàng năm 2023 sẽ cao hơn năm trước, ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng và quản trị rủi ro của từng ngân hàng. 

Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Sẽ có thêm 1 đợt giảm lãi suất?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kinh tế Việt Nam đang cần một liều thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO