Kinh tế Mỹ xuất hiện dấu hiệu suy thoái

Quỳnh Anh | 12:12 11/03/2023

CEO AFA Capital kiêm nhà sáng lập TOPI Nguyễn Minh Tuấn nhận định chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã ở mức cao nhất kể từ thập niên 80 - một trong những biểu hiện của suy thoái kinh tế.

Kinh tế Mỹ xuất hiện dấu hiệu suy thoái
Ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền.

Nội dung chính:

  • Nhiều biểu hiện của suy thoái kinh tế đã xuất hiện ở Mỹ như: lãi suất, lợi suất trái phiếu và chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ giữa kỳ hạn 2 năm và 19 năm đều đang ở mức cao.
  • Dự báo lợi nhuận quý I/2023 của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ở mức thấp so với năm 2022, đặc biệt là nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có chia sẻ: “Dữ liệu kinh tế mới nhất mạnh hơn dự kiến, điều này cho thấy mức lãi suất cuối cùng có thể sẽ cao hơn dự đoán trước đó. Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng việc thắt chặt nhanh hơn được đảm bảo thì chúng tôi sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất” 

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – tháng 2/2023 tăng 5,4% so với năm ngoái. Tốc độ này bỏ xa mục tiêu dài hạn của Fed là 2% và cao hơn chỉ số ghi nhận trong tháng 12/2022.

CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm khiến các hoạt động kinh tế suy yếu, theo đó lạm phát cũng suy yếu. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed mới đây phát biểu: “Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định qua từng cuộc họp. Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây nhưng con đường kéo lạm phát về mức 2% còn xa và có thể khá gập ghềnh”

Thông điệp từ Chủ tịch Fed cho thấy cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ cao hơn trong thời gian tới. 

Ông Tuấn nhận định đây chính là phát biểu khiến thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng mạnh. Vì khi lãi suất tăng lên thì những tài sản mang tính chất tăng trưởng và rủi ro như cổ phiếu sẽ “mất giá”.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, mỗi chính phủ đều đặt ra một mức lạm phát mục tiêu để đưa ra các chính sách để phục vụ mục tiêu đó. Năm 2023, mục tiêu lạm phát của Chính phủ Mỹ là 2%. Tương tự, mức lạm phát mục tiêu của Việt Nam là 4,5%. “Ở mức lạm phát mục tiêu, tăng trưởng kinh tế và các chỉ số kinh tế mới có ý nghĩa. Khi lạm phát cao, các kế hoạch đầu tư dài hạn đều không có hiệu quả” - ông Tuấn nói thêm. 

Theo dữ liệu từ CME Trading, xác suất của việc Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % đã tăng cao trong tuần này, đặc biệt sau thông điệp của Chủ tịch Fed, củng cố khả năng Fed sẽ tăng thêm 0,5 điểm % trong cuộc họp chính sách sắp tới.

Xác suất Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong kỳ họp sắp tới đã tăng vọt trong 1 tuần qua. (Nguồn: CME Trading)

Một tuần trước, ngày 2/3, xác suất để Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % trong cuộc họp sắp tới là 68,6% trong khi xác suất tăng thêm 0,5 điểm % chỉ ở mức 31,4%. Tuy nhiên, đến ngày 9/3, con số dự báo đã hoàn toàn đảo ngược khi xác suất tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % tăng vọt lên 76,4%. 

Ông Tuấn lưu ý đây là nguồn thông tin tham khảo nhưng xác suất chính xác trong thời gian gần đây rất cao.

Hiện nay, thị trường đang kỳ vọng lãi suất Fed cao nhất có thể đạt mức 5,5 - 5,75%. “Thị trường tài chính là thị trường kỳ vọng, khi mọi người kỳ vọng như vậy thì giá hàng hóa, giá cổ phiếu sẽ lập tức phản ứng mạnh” - ông Tuấn cho biết. 

Với mức lãi suất cao như vậy, biểu hiện của suy thoái đã xuất hiện ở thị trường Mỹ. Suy thoái xuất hiện trong các chu kỳ kinh tế khi một chỉ báo quan trọng là lợi tức trái phiếu tăng. 

Lợi suất tăng nghĩa là nhà đầu tư đang yêu cầu mức lãi suất cao hơn khi đầu tư trái phiếu do chi phí vốn tăng cao, khiến nguồn tiền không thể chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã ở mức cao nhất kể từ thập niên 80. Những năm 1980s là giai đoạn đình lạm khi nguồn cung giá dầu tăng cao khiến kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng lạm phát cao.

“Đây là những biểu hiện của suy thoái kinh tế ở Mỹ” - ông Tuấn nói. 

Ông Tuấn xác định nếu kinh tế Mỹ suy thoái thì khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu là rất cao. Khi đó, Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.  

Năm 2022, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 948,1 tỷ USD (tương đương 3,7% GDP), tăng 12,2% so với năm 2021.

Tình hình xuất nhập khẩu của Mỹ những năm qua. (Nguồn: Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ)

Nhà đầu tư nên thận trọng trong nửa đầu năm nay

Ông Tuấn dự báo lợi nhuận quý I/2023 của các doanh nghiệp Việt sẽ ở mức thấp so với nền cao năm 2022. Thậm chí, kết quả kinh doanh của nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm có thể sụt giảm.

Ông Tuấn duy trì quan điểm nhà đầu tư nên thận trọng trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt cần cân nhắc với những tài sản rủi ro như cổ phiếu. 

Phục hồi sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa nước ta năm 2022 đạt con số kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận kết quả kém khả quan. 

Dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 2, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn giảm 13,2% so với cùng kỳ, ước đạt 96 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu giảm 10,4% và nhập khẩu giảm 16%.

Điểm sáng của hoạt động xuất, nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm là cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, trái ngược với trạng thái thâm hụt 300 triệu USD vào cùng kỳ năm 2022. 

Tuy nhiên, “điểm sáng” này thực tế đến từ sự sụt giảm của kim ngạch nhập khẩu do nhu cầu sản xuất, nhập khẩu máy móc và hàng hóa tiêu dùng suy yếu.

Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: FED tiếp tục tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kinh tế Mỹ xuất hiện dấu hiệu suy thoái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO