Kinh tế khó khăn, mất đến 50% lương, người tiêu dùng Trung Quốc chuyển qua hàng nhái và sản phẩm giá rẻ

Băng Băng | 15:20 14/10/2024

"Tại sao phải dùng hàng nhái ư? Tất nhiên là do bị cắt giảm lương rồi", một nữ nhân viên tại Trung Quốc than thở.

Kinh tế khó khăn, mất đến 50% lương, người tiêu dùng Trung Quốc chuyển qua hàng nhái và sản phẩm giá rẻ

Hãng tin CNN cho hay người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển hướng mua sắm các thương hiệu giá rẻ, thậm chí là hàng giả khi mối lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng.

Nước mắt của Bernard Arnault

Cô Zheng Jiewen là một người mẫu 23 tuổi tại Quảng Châu với thu nhập lên đến 30.000 Nhân dân tệ/tháng trước đây nhưng đã bị giảm chỉ còn một nửa.

"Tôi vô cùng sốc", cô Zheng than thở khi phải từ bỏ thói quen mua sắm hàng xa xỉ trước đây như Louis Vuitton, Chanel hay Prada.

Thay vào đó, cô Zheng và bạn bè chuyển hướng sang những "Pingti", nghĩa là những thương hiệu Trung Quốc đạo nhái thiết kế nổi tiếng của nước ngoài. Một số sản phẩm sao chép đến 100% trong khi số khác có thay đổi đôi chút.

Ví dụ một chiếc quần yoga Align của Lululemon có giá 750 Nhân dân tệ (106 USD) trên các trang web chính thức ở Trung Quốc nhưng những mẫu tương tự trên các nền tảng thương mại điện tử lại chỉ có giá 5 USD với chất lượng tương đương.

Theo CNN, niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp gần kỷ lục trong lịch sử đã khiến những sản phẩm đạo nhái này ngày càng bán được hàng do người dân siết chặt chi tiêu. Chuyên gia Laurel Gu của hãng Mintel cho biết từ khóa tìm kiếm hàng nhái tại Trung Quốc đã tăng 3 lần trong khoảng 2022-2024.

Chính điều này đang khiến tỷ phú Bernard Arnault, ông chủ của LVMH buồn lòng. Doanh số tại Châu Á của đế chế hàng xa xỉ này đã giảm 10% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước mà nguyên nhân chính đến từ Trung Quốc.

Tất nhiên, sự chuyển biến này là thách thức với các nhãn hàng sang chảnh, nhưng lại là cơ hội cho các thương hiệu giá rẻ, thậm chí ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của nhiều công ty.

Tương tự Nhật Bản

Tờ Business Insider (BI) cho hay chuỗi nhà hàng Saizeriya tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động trong năm tài khóa vừa qua lên 99,6 triệu USD. Đây là nhà hàng chuyên phục vụ ẩm thực Italy giá rẻ cho các nước Châu Á, bao gồm Trung Quốc.

Chủ tịch Hideharu Matsutani của Saizeriya cho biết tình hình tại Trung Quốc hiện nay cũng giống như Nhật Bản trước đây khi bong bóng kinh tế xì hơi, hay còn gọi là "Thập niên mất mát" vào những năm 1990.

Sau quãng thời gian tăng trưởng nóng, cả 2 nền kinh tế đều bước vào giai đoạn giảm tốc và sức tiêu dùng đi xuống. Bởi vậy Chủ tịch Matsutani đã áp dụng chiến lược đã từng dùng ở Nhật Bản cho các thị trường như Trung Quốc và đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận hoạt động kinh doanh đáng kinh ngạc.

Báo cáo của McKinsey cũng ghi nhận sau quãng thời gian tăng trưởng nóng, người tiêu dùng Nhật Bản chuyển hướng từ hàng chất lượng sang những mặt hàng giảm giá và Trung Quốc hiện cũng đang chứng kiến một xu thế tương tự.

"Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng lý trí hơn khi tập trung vào gia tăng giá trị cho từng đồng tiền chi tiêu", chuyên gia MingYii Lai của Daxue Consulting nhận định.

Người Trung Quốc đang lựa chọn du lịch và ẩm thực hơn là mua sắm, nhắm đến những trải nghiệm của bản thân hơn là tiêu dùng.

Thay vì các nhà hàng sang chảnh như trước, các chuỗi đồ ăn nhanh như KFC hay Pizza Hut lại lên ngôi. Thậm chí các thương hiệu thời trang nhanh như Uniqlo cũng được hưởng lợi.

Báo cáo tài chính của Yum China, công ty mẹ của KFC và Pizza Hut cho thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong quý II/2024 đã tăng 4% lên 266 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thói quen tiết kiệm chi tiêu của khách hàng.

Tập đoàn Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo cũng có tăng trưởng lợi nhuận ròng lên đến 25,6% trong năm tài khóa vừa qua. Doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc đại lục đã tăng 9,2%, đạt 677 tỷ Yên.

Tuy nhiên, các thương hiệu này cũng bày tỏ sự lo ngại về sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc về cuối năm, dù giai đoạn này là đợt mua sắm lớn cho các ngày lễ.

"Giờ đây hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng giảm giá sản phẩm nên công ty của bạn hoặc là giảm giá mạnh hơn hoặc là phải có chiến lược kinh doanh khác biệt để có thể sống sót", giám đốc Jasson Yu của Kantar Worldpanel đánh giá.

Lương đâu mà mua?

Ngân hàng Nomura cho hay đã 1 năm rưỡi trôi qua kể từ khi Trung Quốc chấm dứt chiến lược Zero Covid nhưng nền kinh tế này vẫn chưa phục hồi lại được niềm tin của người tiêu dùng.

Báo cáo của Nomura cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Trung Quốc đã giảm xuống còn 86 điểm trong tháng 7/2024, cao hơn một chút so với mức thấp kỷ lục 85,5 điểm tháng 11/2022.

Các cuộc phỏng vấn của CNN với người tiêu dùng Trung Quốc cho thấy việc giữ được mức lương không giảm trong năm nay đã là một thành công chứ đừng nói gì đến tăng lương.

Hậu quả là thói quen chi tiêu cũng buộc phải thay đổi.

Cô Xinxin là một giáo viên toán tiểu học đến từ Trùng Khánh vốn là một người hâm mộ trung thành của mỹ phẩm Advanced Night Repair của Estée Lauder. Thế nhưng sau khi bị cắt 26% lương từ đầu năm đến nay vì kinh tế khó khăn, người phụ nữ này đã phải chấp nhận mua các mỹ phẩm nội địa rẻ hơn tương tự Estée Lauder.

"Tại sao phải dùng hàng nhái ư? Tất nhiên là do bị cắt giảm lương rồi", cô Xinxin than thở.

Tuy nhiên ít ra thì Xinxin và người mẫu Zheng vẫn còn có thu nhập.

Báo cáo của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đối với những người từ 18 đến 24 tuổi, không bao gồm sinh viên, đã tăng lên 18,8% vào tháng 8/2024, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố trở lại vào tháng 1 năm nay.

Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu này trong vài tháng sau khi tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ lên mức cao kỷ lục trong mùa hè năm 2023.

Tất cả vì bất động sản

Ngành bất động sản từng chiếm đến 30% hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc nhưng đã rơi vào khó khăn do chính phủ siết chặt vay nợ cũng như vì đại dịch Covid-19.

Giá nhà sau đó giảm mạnh khiến các cá nhân và công ty cố gắng bảo toàn tài sản bằng cách bán tháo nhà ở, khiến giá nhà càng đi xuống. Đồng thời với đó, người tiêu dùng cũng siết chặt chi tiêu khi tài sản mất giá.

Báo cáo của Nomura cho thấy giá nhà tại Trung Quốc hiện đã giảm gần 30% so với năm 2021. Trong khi đó Barclays nhận định các hộ gia đình tại đây có thể đã phải chịu tổn thất đến 18 nghìn tỷ USD vì giá nhà suy thoái.

Cụ thể theo tính toán của Barclays, bình quân mỗi hộ gia đình 3 người tại Trung Quốc đã mất khoảng 60.000 USD tài sản vì giá nhà đi xuống, một con số cao gấp 5 lần GDP bình quân đầu người.

Hậu quả là đến người giàu tại Trung Quốc cũng siết hầu bao.

Nữ doanh nhân Nicole Hal ở Quảng Châu cho biết dù kiếm được ít nhất 4 triệu Nhân dân tệ, tương đương 570.000 USD, cùng với chồng mình trong năm nay nhưng cô vẫn sẽ ngừng mua hàng xa xỉ hay các sản phẩm chăm sóc da đắt tiền, bao gồm cả quần áo đắt tiền.

"Tôi đã ngừng ăn nhà hàng, thay vào đó tự nấu ăn ít nhất 4 ngày mỗi tuần", cô Hal cho hay.

*Nguồn: CNN, BI

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế khó khăn, mất đến 50% lương, người tiêu dùng Trung Quốc chuyển qua hàng nhái và sản phẩm giá rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO