Chuyên gia tài chính: Đây là 4 điều người chưa giàu nên làm!

Vũ Anh | 15:03 14/10/2024

Điều quan trọng nhất là quản lý được tài chính và dòng tiền dựa trên một số nguyên tắc nhất định.

Chuyên gia tài chính: Đây là 4 điều người chưa giàu nên làm!

Eric Roberge, người sáng lập hãng Beyond Your Hammock kiêm cố vấn tài chính cá nhân cho các tạp chí Forbes, Fortune, Wall Street Journal… đã liệt kê những quy tắc tiền bạc mà người chưa giàu nên thực hiện. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất là quản lý được tài chính và dòng tiền dựa trên những nguyên tắc sau:

1. Không cố chấp mua nhà bằng mọi giá

Sau nhiều năm làm cố vấn tài chính, Eric Roberge nhận thấy phần lớn các quyết định mua nhà đều dựa theo cảm xúc. “Nhiều khách hàng của tôi không cam lòng thuê nhà cả đời. Họ muốn mua bằng mọi giá, bất chấp tình hình tài chính khi đó ổn hay không”, Eric Roberge nói và cho biết bản thân không khuyến khích mọi người đặt mục tiêu mua nhà bằng mọi giá, nhất là khi nền tảng tài chính chưa ổn định.

Theo Eric Roberge, dù mua hay thuê nhà, ngân sách an toàn và tối ưu cho nhà ở là 20% tổng thu nhập năm. Cách chi tiêu này đảm bảo khả năng duy trì sự ổn định về mặt tài chính.

Giống như một tấm bằng đại học, căn nhà từng là hiện thân của “giấc mơ Mỹ”. Đây là lựa chọn phù hợp với các thế hệ trước nhưng không hề khôn ngoan trong bối cảnh lạm phát hiện nay, khi mà mọi thứ đã thay đổi.

“Giấc mơ Mỹ dường như đã nằm ngoài tầm với so với các thế hệ trước”, Emerson Sprick, nhà kinh tế tại Washington, DC, nói và cho biết sự suy giảm liên tục của lương hưu trong bối cảnh gia tăng chi phí sở hữu nhà là 2 trong số những thay đổi kinh tế lớn nhất trong thập kỷ.

Trong khi 89% số người được hỏi cho biết việc sở hữu một ngôi nhà là tối quan trọng với tầm nhìn tương lai, chỉ 10% thừa nhận việc mua chúng là dễ dàng. An toàn tài chính và một kỳ nghỉ hưu thoải mái được 96% và 95% coi là thiết yếu, song cũng chỉ có 9% và 8% đánh giá là dễ đạt được, theo một cuộc thăm dò mới đây của Wall Street Journal/NORC.

2. Tăng tỷ lệ tiền tiết kiệm 

Để cân bằng và tạo dựng an tâm tài chính, tăng tỷ lệ tiết kiệm là việc làm cần thiết. Phần lớn khách hàng của Eric Roberge đều hài lòng với thói quen tiết kiệm cố định. Đây là hành vi tốt nhưng không có nghĩa tiết kiệm chừng đó đã đủ.

Theo Eric Roberge, khi kinh tế liên tục biến động do lạm phát, việc tăng tỷ lệ tiết kiệm là yêu cầu bắt buộc. “Đây là việc chắc chắn phải làm. Bạn không thể lựa chọn khác”, Eric Roberge nói.

Ngay cả triệu phú, tỷ phú trên thế giới còn duy trì thói quen tiết kiệm, vậy nên không lý gì bạn lại từ chối phương thức giúp duy trì sự an tâm tài chính này.

Nói về việc tiết kiệm, trong một bài phát biểu với sinh viên đại học, Warren Buffett từng nhấn mạnh: Sai lầm lớn nhất của một người là không học cách tiết kiệm một cách hợp lý. Lãi suất kép rất quan trọng trong triết lý đầu tư của ông và điều này cũng là chìa khóa giúp bạn đạt đến tự do tài chính.

3. Duy trì quỹ dự phòng

Chuẩn bị cho những tình huống phát sinh là điều nên làm. Eric Roberge luôn khuyến khích khách hàng nghĩ về kịch bản tệ nhất có thể xảy ra, từ đó xác định đường hướng xây dựng quỹ dự phòng để trang trải.

“Phần lớn khách hàng của tôi đều đồng tình với việc xây dựng quỹ dự phòng. Tuy nhiên, họ lầm tưởng chỉ cần 6 tháng tiền sinh hoạt phí là đủ cho quỹ này mà không cần thêm nữa. 6 tháng tiền sinh hoạt phí là mức tối thiểu cần có trong quỹ dự phòng nhưng không phải mức tối đa cần có”, vị chuyên gia khẳng định.

4. Không cố gắng đợi thời điểm thích hợp để đầu tư

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, Eric Roberge thường nhận được câu hỏi: “Khi nào thích hợp để bắt đầu đầu tư chứng khoán?”. Ông cho rằng ngay cả những chuyên gia chứng khoán lâu năm cũng không dám đưa ra nhận định chắc chắn 100% về thị trường, nên việc đợi thời điểm thích hợp là vô nghĩa. 

Thời điểm thích hợp nhất để đầu tư theo Eric Roberge nên được quyết định bởi mỗi cá nhân. “Để an toàn, nên dùng tiền nhàn rỗi đầu tư”, vị chuyên gia khuyên, đồng thời đưa ra hai vấn đề nên cân nhắc trước khi đầu tư chứng khoán. Một là “Bản thân có thể dùng bao nhiêu % trong nguồn tiền nhàn rỗi để đầu tư”. Hai là “Nếu dùng 100% tiền nhàn rỗi đó, khi phát sinh vấn đề cần tiền, bản thân có khả năng xoay sở không?”. 

“Đó mới là cách tư duy đúng để bắt đầu đầu tư chứng khoán”, Eric Roberge khẳng định. “Đương nhiên, tôi không thể kiểm soát cách các khách hàng quản lý tài chính, dòng tiền. Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là phân tích tình hình tài chính và đưa ra lời khuyên cho họ. Việc thực hiện ra sao hoàn toàn là ở họ”. 

Theo: Business Insider, WSJ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Chuyên gia tài chính: Đây là 4 điều người chưa giàu nên làm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO