Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản

Linh Khang | 15:41 25/04/2022

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022.

Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản
Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới.

Với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19", các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam và phân tích những cơ hội, thách thức trong năm 2021 cũng như đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022.

Đánh giá tổng quan về kinh tế Việt Nam năm 2021, Phó Giáo sư, TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Tăng trưởng kinh tế năm 2021 suy giảm mạnh ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây. Nguyên nhân chủ yếu từ cú sốc suy thoái nặng nề trong Quý 3/2021 với sự lan rộng của biến chủng Delta, đã gần như vô hiệu hoá các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các chính sách phản ứng còn chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa các địa phương; nhiều khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước đã bị phong toả trong thời gian dài. Tỷ lệ tổng đầu tư xã hội/GDP đạt 34,43%, gần như không đổi so với mức của các năm gần đây. Động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế là vốn đầu tư và tín dụng vẫn được duy trì nhưng hiệu quả suy giảm.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo và kinh tế số - những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia, dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Năm 2021 chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa từng có của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn với tốc độ lây lan rất nhanh; nhiều tỉnh, thành phố lớn phải giãn cách xã hội. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội.

Cũng theo TS. Phạm Hồng Chương, kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, với tình hình dịch bệnh mới và được thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6-6,5%. Tuy nhiên, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu do đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh; tăng trưởng "nóng" trên thị trường bất động sản và chứng khoán…

Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị, các chính sách của Chính phủ cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh "sống chung với Covid-19".

Trong đó, chính sách tài khoá phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới.

Chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động…

Đặc biệt, cần chú trọng hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO