Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau hơn 2 thập kỷ vẫn đang giải phóng mặt bằng

Lê Sáng | 08:07 08/09/2022

Mới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa đề nghị cử tri tiếp tục kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sớm có biện pháp tích cực đẩy mạnh giải ngân công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau hơn 2 thập kỷ vẫn đang giải phóng mặt bằng
Nhiều diện tích bên trong khu vực quy hoạch khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lê Sáng

Bố trí 2.367 tỷ đồng chờ giải ngân

Liên quan đến tiến độ triển khai dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Văn bản số 5738/BKHĐT-TH ngày 15/8/2022 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, cử tri thành phố Hà Nội đã có kiến nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội, Bộ KH&ĐT cho biết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ vốn theo nhu cầu là 2.367 tỷ đồng để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch và xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn lại của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Để đạt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ĐT đề nghị cử tri thành phố Hà Nội tiếp tục có ý kiến với UBND thành phố Hà Nội để có biện pháp tích cực đẩy mạnh giải ngân công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2022, đảm bảo mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án “trọng điểm” hơn 2 thập kỷ vẫn chạy đà

Về dự án Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1998.

Sau hơn 2 thập kỷ thành lập cũng là hơn 12 năm từ thời điểm tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đến nay, siêu đô thị vệ tinh, khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn được ví von là vẫn đang trong giai đoạn “chạy đà”.

Khu CNC Hòa Lạc với quy hoạch tổng thể trên tổng diện tích 1.586ha được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008 và được điều chỉnh quy hoạch vào năm 2016 theo Quyết định số: 899/QĐ-TTg, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng.

Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ thành lập, sau nhiều biến động, kể cả khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội năm 2008 với những “cơn sốt” đầu tư bất động sản được toan tính cùng câu chuyện “dời đô” lên Ba Vì hay hàng loạt dự án phân lô bán nền thời gian qua thì Khu CNC Hòa Lạc dường như vẫn chưa tìm thấy một động lực mạnh mẽ để vươn tầm.

Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030. Trong đó Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Dự án Ðại học Quốc gia (ÐHQG) Hà Nội tiếp tục được coi là vùng lõi, là động lực để đô thị vệ tinh Hòa Lạc phát triển.

Theo thông tin từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tại thời điểm tháng 7/2020, thành phố Hà Nội đã giao cho Ban quản lý 1.530 ha trên tổng số 1.586 ha đất để xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch. Tuy nhiên, tổng diện tích đất các nhà đầu tư đang sử dụng mới đạt khoảng 240ha, khoảng 1/4 đất sạch và vẫn còn khoảng hơn 200ha chưa giải phóng mặt bằng.

Đến nay, theo ghi nhận thực tế, dù đã có những tín hiệu tăng tốc khi một số “ông lớn” như Viettel, FPT, Vingroup… và một số doanh nghiệp FDI lựa chọn Khu CNC Hòa Lạc làm “điểm dừng chân” nhưng thực tế cho thấy, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Một số công trình còn đang dang dở, nhiều khu vực đất đai rộng lớn vẫn quây tôn, chưa có dấu hiệu được triển khai.

Về tiến độ của dự án, chia sẻ thông tin với báo chí, ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết tính đến hết năm 2021 tổng số dự án thu hút được tại Khu lên 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 14%) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376ha.

Trong 100 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, có 60 dự án đang hoạt động, các dự án còn lại đang trong quá trình đầu tư/chuẩn bị triển khai, ông Trung thông tin.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau hơn 2 thập kỷ vẫn đang giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO