Nội dung chính:
- Đầu tư công sẽ là điểm sáng của nền kinh tế 2023
- Chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cầu nền kinh tế cùng với những thách thức hiện hữu, chuyên gia cho rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào mảng đầu tư công cũng như doanh nghiệp đầu tư công năm nay.
Tại Tọa đàm Điểm sáng đầu tư năm 2023 diễn ra mới đây, PGS. TS Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, đã đưa ra góc nhìn thận trọng về triển vọng của mảng đầu tư công năm 2023.
Theo chuyên gia, đầu tư công là bệ đỡ và là mảng sáng của nền kinh tế 2023. Năm nay, ngoài đầu tư công, các mảng cầu còn lại của nền kinh tế như tiêu dùng, đầu tư (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài), xuất khẩu đều không có nhiều điểm sáng bởi các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và trong nước.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế cho rằng so với tổng thể nền kinh tế và tổng cầu của nền kinh tế, quy mô mảng đầu tư công chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Bên cạnh đó, những dự án đang triển khai chủ yếu là những dự án dễ giải ngân, dễ giải quyết, trong khi đó, vẫn còn nhiều dự án đang gặp vướng mắc về thể chế, pháp lý chưa thể triển khai.
“Đầu tư công vốn tồn tại nhiều thách thức. Thực tế từ đầu năm, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các nút thắt cho đầu tư công. Tất nhiên hiệu quả như thế nào thì chúng ta cần thêm thời gian”, ông Thế Anh nói
Tương tự với các doanh nghiệp đầu tư công, ông Phạm Thế Anh cho rằng nhà đầu tư không nên kỳ vọng thái quá. “Với các doanh nghiệp liên quan đến xây lắp, xây dựng, đầu tư công, nhà đầu tư cần có đánh giá cụ thể, chi tiết về biên lợi nhuận, khả năng tạo ra lợi nhuận từ các dự án đầu tư công”, chuyên gia nói.
Ông Đào Phúc Tường, chuyên gia Chứng khoán, cho rằng đầu tư công có nhiều mảng, nhưng phổ biến và đáng chú ý trên sàn chứng khoán là các doanh nghiệp liên quan đến hạ tầng đường bộ và hạ tầng năng lượng.
Đồng tình với giảng viên Phạm Thế Anh, ông Đào Phúc Tường nhìn nhận với doanh nghiệp mảng hạ tầng đường bộ, nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều. Dù vậy, ông Tường vẫn đánh giá năm nay nhóm doanh nghiệp này có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với các năm trước.
Ông Trường phân tích, một dự án đầu tư công kể từ khi ký hợp đồng, thường mất 15-18-24 tháng để hoàn thành và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được phản ánh tương ứng trong khoảng thời gian đó. Theo quan sát của chuyên gia này, lợi nhuận của doanh nghiệp thường cao trong những quý đầu triển khai dự án và thấp nhất vào giai đoạn hoàn thiện. Do đó, nếu nhìn dài hạn với một cổ phiếu đầu tư công, nhà đầu tư cần tính toán, phân tích kỹ về lợi nhuận, biên lợi nhuận, lợi nhuận định mức, biến động giá nguyên vật liệu. Ngược lại nếu đầu tư ngắn hạn, ông Trường cho rằng năm 2023 sẽ là một năm có nhiều triển vọng tích cực cho nhóm cổ phiếu đầu tư công.
Theo Bộ Tài chính, kết thúc năm ngân sách 2022 (tính đến ngày 31/1/2023), thanh toán vốn đầu tư của cả nước đạt gần 539.277 tỷ đồng, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11% kế hoạch).
Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là khoảng hơn 707.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tổng cộng, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công vào năm 2023.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và đơn vị phân tích, nếu nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả, có chất lượng thì tổng cầu của nền kinh tế trong năm nay sẽ được hỗ trợ rất tích cực, bù đắp cho những khó khăn về nhu cầu từ thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, mảng đầu tư công sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho nhiều ngành như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng – có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự trầm lắng dự báo sẽ kéo dài của ngành bất động sản trong năm 2023.