Nội dung chính:
- Theo các chuyên gia, chỉ khi trạm sạc được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý, việc thúc đẩy phát triển xe điện mới khả thi.
- Ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng hạ tầng đang đối diện với nhiều thách thức như kỹ thuật, chính sách, quy chuẩn đồng bộ.
Hạ tầng trạm sạc là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển xe điện, bên cạnh yếu tố pháp lý, các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ.
Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), hạ tầng trạm có tính quyết định tới việc chuyển đổi sang xe điện hoá. Chỉ khi trạm sạc được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý, việc thúc đẩy phát triển xe điện mới khả thi.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề, như vị trí lắp đặt trụ sạc; kết nối nguồn điện; nhu cầu điện; chính sách, quy chuẩn cho trạm sạc… Cũng bởi vậy, hiện nay, dù nhiều hãng xe manh nha kế hoạch đưa ôtô điện vào Việt Nam, chỉ VinFast có những tín hiệu rõ ràng, còn các hãng xe ngoại chủ yếu mới dừng lại ở việc nghiên cứu, thăm dò thị trường.
Kỹ thuật, hạ tầng chưa đáp ứng
VinFast – đơn vị sản xuất và phân phối xe điện đầu tiên tại Việt Nam, đã lắp lắp đặt khoảng 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ôtô điện tại 63 tỉnh, thành phố, tính đến tháng 10. Tốc độ lắp đặt trạm sạc của VinFast được đánh giá là nhanh, tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp thừa nhận việc lắp trạm sạc xe điện không dễ dàng.
Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, VinFast phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, nguồn điện cung cấp cho các trạm sạc cũng là một khó khăn lớn. Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng cho biết việc xây dựng hạ tầng trạm sạc ảnh hưởng tới hệ thống điện tại Việt Nam.
Ông Lâm tính toán, xét trường hợp phát triển 40.000 trụ sạc của VinFast, nếu tính công suất tối thiểu trụ sạc 11kW thì sẽ có khoảng 440MW được đấu nối thêm vào hệ thống, thậm chí có thể lên tới hơn 1.000MW nếu tính các đầu sạc có công suất lớn hơn. Con số này tương đương với khoảng 2 tổ máy của Nhà máy thủy điện Hoà Bình hoặc tương đương với công suất của cả nhà máy thủy điện Lai Châu.
Còn nếu hướng đến các mục tiêu xa hơn theo lộ trình phát triển xe điện của Chính phủ, nhu cầu điện cho xe điện có thể tương đương nửa công suất nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình vào năm 2030 và 2 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình vào năm 2050.
Cần quy chuẩn đồng bộ cho trạm sạc
Chuyên gia ôtô Khương Quang Đồng phân tích: nhìn vào quá trình VinFast triển khai lắp trạm sạc, có thể thấy việc mở rộng mạng lưới trạm sạc, trụ sạc là khả thi nếu doanh nghiệp thực sự quyết tâm. Tuy nhiên, rào cản lớn nằm ở yếu tố chính sách, quy chuẩn, sức hấp dẫn của lợi nhuận.
Nhìn vào quá trình VinFast triển khai lắp trạm sạc, có thể thấy việc mở rộng mạng lưới trạm sạc, trụ sạc là khả thi nếu doanh nghiệp thực sự quyết tâm.
Chuyên gia ôtô Khương Quang Đồng
“Chúng ta chưa thực sự sẵn sàng về hạ tầng, điều đó khiến các doanh nghiệp ngoại chưa thấy thị trường ô tô điện Việt Nam đủ hấp dẫn để tiến vào. Chỉ có VinFast nỗ lực làm trạm sạc thôi thì chưa đủ, phải có nhiều doanh nghiệp cùng làm, cùng mở rộng mạng lưới ra thì mới khiến người tiêu dùng cảm thấy an tâm. Chung quy lại, chúng ta cần chính sách, cần lộ trình, cần tiêu chuẩn rõ ràng cho xe điện, trong đó có các chính sách và tiêu chuẩn cho trạm sạc”, chuyên gia Khương Quang Đồng nói.
Trước đó, ông Vũ Thắng cũng cho biết ngoài các vướng mắc liên quan đến kỹ thuật, việc lắp đặt trạm sạc còn đối diện với những khó khăn khác về pháp lý, những tiêu chuẩn thiếu đồng bộ ở các địa phương…
Ngay tại các đô thị, việc thiếu các quy chuẩn về an toàn cháy nổ cũng khiến doanh nghiệp loay hoay và khiến người dân phản đối việc lắp đặt trụ sạc.
Bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast từng trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hồi tháng 6 cho biết: VinFast không ít lần vấp phải sự phản đối của cư dân trong quá trình lắp trạm sạc.
“Dù các trạm chiếm diện tích rất nhỏ và rất thuận lợi ở các bãi đỗ xe, nhưng ngay trong các khu đô thị, cư dân còn phản đối việc lắp trạm sạc do lo ngại bị chiếm mất chỗ để xe xăng; có những điểm có mặt bằng để lắp đặt trạm sạc, nhưng hệ thống lưới điện không đáp ứng được, phải kéo đường dây từ những trạm xa, làm phát sinh chi phí”, TTXVN dẫn lời đại diện VinFast.
Thực tế, vấn đề người dân quan tâm không chỉ là bị chiếm mất chỗ để xe xăng. Không ít cư dân chung cư bày tỏ lo ngại về an toàn cháy nổ khi bố trí các trạm sạc tại tầng hầm các tòa cao ốc.
Theo nhiều người, khi các quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cho xe điện cho rõ ràng, các tòa nhà chung cư xây dựng giai đoạn trước chưa có sự chuẩn bị cho trạm sạc xe điện, thì việc lắp đặt các trụ sạc có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ.