Theo The Paper, từng có khảo sát cho thấy ở Trung Quốc, hàng năm mỗi gia đình đều mua ít nhất 3 chiếc ô và một trong số chúng có thể đến từ thị trấn Đông Thạch, thành phố Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến - thủ phủ ô dù của Trung Quốc.
Bởi vì cứ ba chiếc ô trên thế giới, một chiếc sẽ là hàng Đông Thạch.
Hiện tại, thị trấn Đông Thạch có tổng cộng hơn 400 công ty sản xuất ô dù, 168 công ty chuyên sản xuất phụ kiện, phụ liệu như nhựa, vải dù, khung ô với hơn 50.000 lao động, sản xuất ra 600 triệu, chiếm 1/4 sản lượng thế giới; trong đó 80% sản lượng được xuất khẩu với tổng giá trị sản lượng vượt 10 tỷ NDT.
Thủ phủ ô dù Trung Quốc
Vào đầu những năm 1990, thị trấn Đông Thạch là nơi sản xuất ô dù hàng đầu trong ngành công nghiệp ô dù Trung Quốc.
Nhưng sự phát triển nhanh chóng cũng bộc lộ hàng loạt vấn đề. Mẫu sản xuất giống nhau, kênh tiêu thụ và thị trường đơn lẻ dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, lợi nhuận giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản.
Sự bão hòa của thị trường nội địa đã khiến một số ông chủ của các công ty ô dù ở thị trấn Đông Thạch hướng ra nước ngoài. Vương An Bang là doanh nhân đầu tiên mang ô Trung Quốc ra nước ngoài.
Tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc ở Quảng Châu năm 1991, Vương An Bang không có vé vào cửa nhưng ông vẫn kiên quyết mang theo hai chiếc ô do công ty sản xuất và một chiếc máy tính đến đó với quyết tâm, "nếu không thể vào hội chợ thì sẽ ngồi đợi bên ngoài cửa".
May mắn thay, Vương An Bang gặp một người bạn lúc đó đang làm việc tại Trung tâm Ngoại thương Phúc Kiến.
Nhờ sự giới thiệu của người bạn, ông đã tiếp cận với hai doanh nhân người Mỹ trong giờ ăn trưa và giành được đơn hàng 10 container với tổng trị giá hơn 1 triệu USD, chính thức bước chân vào con đường thương mại quốc tế.
Được truyền cảm hứng từ Vương An Bang, các doanh nhân khác của thị trấn Đông Thạch cũng lần lượt bước chân ra thị trường nước ngoài. Hoạt động xuất khẩu ô dù của thị trấn Đông Thạch phát triển mạnh mẽ từ đó.
Vào giữa những năm 1990, mặc dù những chiếc ô do thị trấn Đông Thạch sản xuất đã lan rộng khắp Châu Âu và Mỹ nhưng lại không có thương hiệu nào mà khách hàng có thể gọi tên khi nói tới Đông Thạch.
Vương An Bang quyết định đặt ra một quy tắc: Các doanh nhân nước ngoài nếu đặt "ô hoa mai" của công ty ông thì không chỉ được giảm giá mà còn được miễn tiền đặt cọc; còn nếu khách hàng muốn hàng đặt riêng thì không những giá sẽ tăng gấp đôi mà không đủ nguồn cung.
Sau cuộc "tác chiến" này, thương hiệu "ô hoa mai" (Susino Umbrella) đã nổi tiếng khắp nơi.
Ngày nay, Susino Umbrella là nhà sản xuất ô dù lớn nhất Trung Quốc được xuất khẩu ra thế giới và mạng lưới bán hàng của công ty đã bao phủ 125 quốc gia, khu vực.
Các doanh nghiệp ô dù khác ở thị trấn Đông Thạch cũng không hề kém cạnh. Trong số 6 thương hiệu nổi tiếng Trung Quốc của ngành ô dù, thị trấn này nắm giữ 4 thương hiệu: Susino Umbrella, Yuzhongniao, Yusimeng và Jin'ou.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, sự thành công của các thương hiệu ô dù này không thể tách rời khỏi các nhà cung cấp nguyên liệu dày đặc ở Đông Thạch.
Một chiếc ô, một tay cầm nhỏ và không ít hơn 5 phụ kiện đến từ các nhà cung cấp phụ kiện khác nhau.
Nhưng điều này là chuyện nhỏ ở Đông Thạch bởi thị trấn này tập trung không dưới 50 công ty cung ứng phụ kiện. Từ những nguyên liệu lớn như các tấm thép đến những phụ kiện nhỏ như lò xo hay ốc vít, người ta đều có thể tìm thấy tất cả chúng ở thị trấn Đông Thạch.
Nhờ đó, vào năm 2003, thị trấn Đông Thạch đã được Liên đoàn Công nghiệp nhẹ Trung Quốc và Hiệp hội Công nghiệp Hàng gia dụng Trung Quốc trao tặng danh hiệu Thủ phủ ô dù Trung Quốc.
Công nghệ sáng tạo mới
Việc sản xuất một chiếc ô không giống như các sản phẩm gia công khác, phải làm thủ công qua nhiều mắt xích. Rãnh trên, rãnh giữa, bi lăn, mảnh đạn, ren ngoài, bi thép... Mỗi công đoạn đều cần một người thợ.
Vào năm 2017, "hệ thống lắp ráp tự động khung ô dù" ra đời. Việc lắp ráp ô ban đầu cần 12 công nhân để vận hành giờ đây có thể được hoàn thành nhờ dây chuyền thiết bị chỉ trong 8 giây.
"Trước đây, chúng tôi cần hai ca để sản xuất ô dù và mỗi ca cần ít nhất sáu người. Bây giờ hai người (hai ca) có thể hoàn thành với một thiết bị, giúp tiết kiệm 10 công nhân cùng một lúc".
Vào năm 2020, việc nghiên cứu và phát triển "thiết bị cuộn mép vải tự động" đã chấm dứt lịch sử của nghề may thủ công truyền thống.
"Thiết bị này tiết kiệm 30% chi phí lao động, đây là một bước đột phá công nghệ lớn trong ngành công nghiệp ô dù".
Không chỉ công nghệ được nâng cấp mà các sản phẩm của Đông Thạch cũng được phát triển với nhiều mẫu mã, công năng mới như ô bỏ túi siêu nhỏ, ô tự đóng mở, ô điện...
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với thị trấn Đông Thạch, chiếc ô nhỏ không chỉ chứng kiến sự chăm chỉ của những người bản địa mà còn chứng kiến nhiều lần cải cách công nghệ trong ngành công nghiệp ô của Trung Quốc.