Theo dó, điểm mới tại dự thảo lần này là Chính phủ xác định bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm, thay vì 5 năm như hiện hành, để đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Theo phân tích, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy rất ít địa phương thực hiện việc công bố bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%. Việc này làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với diễn biến thị trường.
Để đảm bảo tính khả thi khi bỏ khung giá đất, đưa ra cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường như tinh thần Nghị quyết 18, Chính phủ cho biết, bảng giá đất hiện hành sẽ được sử dụng đến hết năm 2025. Tức là, từ năm 2026 sẽ áp dụng bảng giá đất mới được xây dựng theo nguyên tắc thị trường.
Với quy định này, các địa phương có đủ thời gian xây dựng, đưa ra bảng giá đất mới từ khi luật có hiệu lực thi hành đến cuối năm 2025.
Góp ý trước đó của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) lại cho rằng không nên ban hành bảng giá đất hàng năm vì hiện chưa hội đủ điều kiện thực hiện. Thay vào đó, theo HoREA chỉ nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần, để phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, quản lý hiện nay.
Ngoài ra, tại tờ trình của Chính phủ lần này, sau khi tiếp thu ý kiến người dân, quy định về định giá đất được chỉnh lý trên cơ sở đảm bảo phương pháp xác định giá theo thị trường, công khai và đảm bảo độc lập trong xác định, thẩm định và quyết định giá đất.
Căn cứ xác định giá, gồm thời hạn sử dụng đất (đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân hay trong hạn mức nhận chuyển quyền sẽ không căn cứ vào thời hạn sử dụng), thông tin đầu vào để xác định giá, các yếu tố khác ảnh hưởng và quy định pháp luật liên quan tại thời điểm định giá.
Trong đó, thông tin đầu vào để xác định giá đất, gồm giá được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng, trúng đấu giá, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.