Không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, đầu tư tích trữ găm hàng trong dịp Tết

Phạm Minh | 08:51 27/01/2023

Đây là một trong những nội dung mà Bộ Tài chính vừa có văn bản số 14/BC-BTC gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp quản lý, điều hành giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, đầu tư tích trữ găm hàng trong dịp Tết
Theo Bộ Tài chính, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, đầu tư tích trữ găm hàng trong dịp Tết. (Ảnh: Int)

Nguồn cung dồi dào

Theo Bộ Tài chính, tình hình cung cầu giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về giá đề ra.

Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định theo chính sách bán hàng và đảm bảo nguồn cung cho nhân dân.

Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó mặt hàng gạo luôn được chú trọng và được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường. Trước Tết từ đầu tháng 1/2023 đến ngày ông Công ông Táo giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 3 - 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định.

Đối với thực phẩm tươi sống, so với hàng năm, trong dịp Tết, giá cả ổn định do nguồn cung dồi dào, chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 10.000 – 20.000 đ/kg tùy từng địa phương; giá gà sống tăng khoảng 10.000 – 30.000 đ/kg; giá lợn hơi ổn định so giai đoạn trước Tết kéo theo giá thịt lợn thành phẩm cũng không có biến động lớn. Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn vẫn ổn định và thấp hơn so với giá thị trường.

Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định do nguồn cung khá dồi dào. Giá chỉ tăng cục bộ trong các ngày nghỉ lễ Tết mùng 1 đến mùng 5 tại một số chợ dân sinh thành phố lớn do người bán không nhiều. Giá các loại hoa quả tăng nhẹ từ 5 – 10% tùy từng loại so với ngày thường.

Giá hoa tươi tăng nhẹ vào các ngày 22, 23 Tết và tăng từ 15 – 25% trong các ngày 27, 28 Tết do nhu cầu tăng cao đối với các loại hoa tươi phục vụ cúng lễ, Tết. Nhìn chung, nhu cầu mua sắm năm nay giảm hơn so với các năm trước do nhiều gia đình phải cân nhắc chi tiêu ngày Tết.

Giá dịch vụ vận tải cơ bản được kiểm soát tốt tại các địa phương; các đơn vị kinh doanh vận tải cơ bản chấp hành tốt việc kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Ngoài ra, giá dịch vụ giữ xe về cơ bản ổn định, các điểm trông xe tự phát quanh các địa điểm tâm linh có biến động tăng, nhất là trong các ngày đầu năm và tại một số thành phố có nhiều điểm du lịch, đền chùa…

Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị

Để tăng cường công tác quản lý bình ổn thị trường trong dịp Tết, theo Bộ Tài chính đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, là công tác chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết của các tỉnh, thành phố linh hoạt, chủ động tổ chức triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Các địa phương đều đã triển khai rất quyết liệt công tác về quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá. Trong đó kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng như: giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi,giá giữ xe, giá dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ khác trong các dịp lễ, Tết...

Để tiếp tục bình ổn thị trường giá cả sau Tết, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yết, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết.

Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong dịp sau Tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ động bám sát tình hình thực tế để chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

Đối với việc bình ổn thị trường cả năm 2023, các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai việc tính toán, đánh giá tác động, chuẩn bị phương án để bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động dự báo và có các phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, vật tư nông nghiệp…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, đầu tư tích trữ găm hàng trong dịp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO