Theo báo cáo của bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm 2023, cơ quan tố tụng đã khởi tố 11 vụ án có liên quan đến hoạt động thẩm định giá gây hậu quả nghiêm trọng. Các vụ án đều được truy tố 1 trong 3 tội danh: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Qua đó, có thể thấy thực trạng coi nhẹ khâu thẩm định giá, để “lọt” những thẩm định viên thiếu chuyên môn nghiệp vụ, thiếu liêm chính hoặc có động cơ không trong sáng vào quy trình đấu thầu. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên MarketTimes đã có buổi làm việc với chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.
Thưa ông, trong thời gian vừa qua đang có một số ý kiến liên quan đến vấn đề thẩm định giá tài sản trong mua sắm công và cho rằng, doanh nghiệp và các đơn vị thẩm định giá bắt tay nhau nâng khống hoặc dìm giá các trang thiết bị máy móc, tài sản thanh lý … Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Việc xuất hiện tình trạng doanh nghiệp và các đơn vị thẩm định giá bắt tay nhau nâng khống hoặc dìm giá các trang thiết bị máy móc, tài sản thanh lý mặc dù có xảy ra nhưng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét, tính toán để nhận định trong từng loại hình cụ thể để xem có hay không tình trạng nâng giá, dìm giá và đưa ra biện pháp để xử lý một cách tốt nhất tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước và ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công quyền.
Để định giá tài sản công thì trước hết đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu và tính toán là định giá đúng, định giá đủ theo yêu cầu của các cơ quan quản lý ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, các đơn vị thẩm định giá cần tính theo đúng các quy định của định mức kinh tế kỹ thuật mà Nhà nước đã đề ra.
Hiện nay xảy ra thực trạng các công ty thẩm định giá hạn chế nhận thẩm định giá tài sản trong mua sắm công. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Trong công tác thẩm định giá thời gian vừa qua nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp ảnh hưởng không tốt đến tính toán của các cơ quan quản lý, vì thế cũng có một số thảm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá không làm đúng quy định dẫn đến việc tính toán cũng như yêu cầu quản lý của Nhà nước không được đảm bảo, rõ ràng, gây phương hại đến hoạt động chính xác của các cơ quan Nhà nước.
Có thể thấy, thông tin về tài sản ở thị trường Việt Nam hầu như ít được công khai, không có một cơ quan uy tín nào cung cấp giá giao dịch chuyển nhượng gây khó khăn cho thẩm định viên trong quá trình thẩm định giá tài sản. Lấy ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, để có một thước đo trong thẩm định giá một sản phẩm bất động sản ở một khu vực cần có dữ liệu chi tiết về diện tích đất, vị trí lô đất, giá trị chuyển nhượng, tính chất pháp lý…
Để hoá giải những khúc mắc này cần có những giải pháp gì?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Để giải quyết thực trạng trên, cần đề cao sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước trong việc đưa ra các định mức về giá cả giúp cho công tác thẩm định giá tốt hơn.
Việc không có định mức giá cụ thể gây cản trở không nhỏ trong công tác định giá tài sản một cách chuẩn xác, khiến cho hoạt động thẩm định giá không đầy đủ, thiếu tính công khai, tính rõ ràng và từ đó nó làm cho hoạt động thẩm định giá trở nên khó khăn. Từ các lý do trên dẫn đến việc các doanh nghiệp thẩm định giá ngại tham gia hoạt động thẩm định giá tài sản công.
Để gỡ vướng cho công tác thẩm định giá trong mua sắm công, cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo giá thị trường, qua đó theo dõi sự biến động của thị trường và mối quan hệ của nó với tăng trưởng kinh tế, thị trường vốn, tài chính, tiền tệ giúp cơ quan quản lý nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách phát triển thị trường giá cả ổn định, minh bạch và bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!