Tại Wa’ad al-shamal, cách thủ đô Riyadh 1.200km về phía bắc, phốt phát được chiết xuất và ngâm trong hóa chất để biến thành axit. Từ đó, nó được vận chuyển bằng đường sắt đến cảng Ras Al-Khair, cách đó 1.500km về phía đông. Sau đó, chất này được chế tạo thành phân bón hoặc ammoniac, rổi tiếp tục đi về phía tây tới Brazil, phía nam tới châu Phi, cũng như phía đông tới Ấn Độ và Bangladesh.
Những chất này cuối cùng đến tay những người nông dân sản xuất tới 10% lương thực của thế giới, theo Ma’aden – doanh nghiệp khai thác mỏ của Ả Rập Xê Út đang vận hành dự án khổng lồ này.
Dự án này có doanh thu và vốn đầu tư trong nước tương đương với khoảng 2% DGP (không tính dầu mỏ) của Ả Rập Xê Út. Một dự án tương tự khác, tương đương 1%, cũng sẽ sớm được triển khai.
Phốt phát không phải là nguồn tài nguyên khoáng sản duy nhất mà Ả Rập Xê Út đang nhắm tới để cung cấp nhiên liệu cho một tương lai hậu dầu mỏ. Vào ngày 10/1, chính phủ Ả Rập Xê Út đã nâng ước tính giá trị khoáng sản chưa được khai thác của nước này từ 1.300 tỷ USD lên 2.500 tỷ USD, bao gồm các mỏ vàng, đồng và kẽm.
Thái tử Ả Rập Xê Út Muhammad bin Salman muốn đất nước trở thành vùng đất không thể không nhắc tới khi đề cập đến khoáng sản, bao gồm cả những khoáng sản thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Một phần của chiến lược này vượt khỏi khuôn khổ biên giới đất nước. Ả Rập Xê Út đã thành lập Manara Minerals – một liên doanh được hậu thuẫn bởi Ma’aden và quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Xê Út. Theo đó, Manara sẽ đầu tư tới 15 tỷ USD cổ phần vào các mỏ nước ngoài. Năm ngoái, liên doanh này đã chi gần 3 tỷ USD để mua 10% cổ phần trong hoạt động kinh doanh kim loại của Vale – một gã khổng lồ khai thác mỏ của Brazil.
Trong vài năm qua, nước này đã thành lập một bộ công nghiệp và tài nguyên khoáng sản mới, miễn thuế đối với máy móc và nguyên liệu thô nhập khẩu, giảm lệ phí đăng ký giấy phép và tiền bản quyền, cũng như kêu gọi nhà nước hỗ trợ về lương và trợ cấp tiền thuê nhà. Trước đây, phải mất nhiều năm mới nhận được giấy phép khai thác, nhưng hiện tại quá trình này được rút ngắn xuống còn hai tháng.
Ngoài ra, để thu hút những nhà đầu tư lớn, Ả Rập Xê Út đang đầu tư hơn 180 triệu USD cho các ưu đãi trong thăm dò khoáng sản. Quỹ Phát triển Công nghiệp Ả-rập Xê-út thậm chí còn đề nghị cấp vốn cho 3/4 chi phí dự án. Vương quốc này cũng đang tài trợ cho nỗ lực trị giá 200 triệu USD để lập bản đồ địa chất và tạo cơ sở dữ liệu về tài nguyên, bên cạnh 500 triệu USD đã chi cho cuộc khảo sát trước đó. Ma'aden cũng đang tiến hành nhiều hoạt động thăm dò hơn.
Chính phủ cũng đang tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ các nhà địa chất và kỹ sư. Ả Rập Xê Út cũng đã hợp tác với các tổ chức tư vấn của Mỹ trong nghiên cứu khai thác mỏ và các tổ chức khác để xây dựng các chương trình đào tạo.
Tuy vậy, không giống như các mỏ phốt phát, quặng kim loại ở sâu dưới lòng đất khó khai thác được nhanh. Mùa hè khắc nghiệt khiến công việc phải tạm dừng vì lý do an toàn, dẫn tới các dự án phải tạm dừng trong ba hoặc bốn tháng một năm.
Theo tờ The Economist, việc biến tầm nhìn của Ả Rập Xê Út thành hiện thực đòi hỏi sự thay đổi căn bản giữa các chủ mỏ trên thế giới khi mà trong một thế giới khó lường, nhiều người thích chia lợi nhuận cho cổ đông hơn là đầu tư vào các dự án mới đầy rủi ro.
Theo The Economist