Không bán được tranh, hãng đấu giá lớn nhất thế giới Sotheby’s ngập trong 1,8 tỷ USD nợ nần, không trả nổi lương cho nhân viên

Băng Băng | 10:11 27/09/2024

Việc Sotheby's bán mình cho vị tỷ phú vô danh trong làng nghệ thuật vào năm 2019 đã đem lại những hậu quả không ngờ.

Không bán được tranh, hãng đấu giá lớn nhất thế giới Sotheby’s ngập trong 1,8 tỷ USD nợ nần, không trả nổi lương cho nhân viên

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay thị trường nghệ thuật đang trải qua giai đoạn khó khăn khiến hãng đấu giá nổi tiếng Sotheby’s lâm vào khủng hoảng.

Việc suy giảm doanh số do không bán được tranh mà một phần là do kinh tế Trung Quốc khó khăn khiến các đại gia tại đây không mặn mà với nghệ thuật nữa đã ảnh hưởng nặng đến Sotheby’s. Đó là chưa kể các cuộc xung đột địa chính trị cũng như cuộc bầu cử Mỹ khiến mảng đấu giá tranh và nghệ thuật chịu tác động.

Giới nhà giàu hiện chỉ quan tâm đến vàng hay những tài sản trú ẩn có tính thanh khoản cao hơn là các tác phẩm nghệ thuật cần tốn thời gian để chuyển đổi thành tiền. Thêm vào đó, việc thổi giá ngày càng cao cho các tác phẩm đến mức phi lý cũng khiến người mua ngày càng chán ghét việc bị "móc túi".

Số liệu của Bloomberg cho thấy tổng giá trị 10 tác phẩm nghệ thuật đắt nhất được đấu giá thành công năm 2022 là 760 triệu USD nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 403 triệu USD năm 2023 và sang năm nay chỉ còn là 312 triệu USD.

Hậu quả là Patrick Drahi, vị tỷ phú sở hữu đến 61% cổ phần của Sotheby’s đang lâm vào tình cảnh bi đát. Năm 2019, vị đại gia sở hữu hãng viễn thông Altice nổi tiếng của Pháp này đã vay nợ để mua lại cổ phần chi phối Sotheby’s.

Thế nhưng trong khi Sotheby’s kinh doanh bết bát thì Altice lại vẫn phải gánh trên vai khoản nợ 60 tỷ USD. Xin được nhắc rằng dưới thời điều hành của Drahi, tổng số nợ của Sotheby’s đã tăng từ 1 tỷ USD lên 1,8 tỷ USD.

Bởi vậy nhiều người cho rằng tỷ phú Drahi sẽ sớm vỡ nợ, buộc phải đàm phán với chủ nợ để tái cấu trúc lại doanh nghiệp và thậm chí sẽ phải bán một phần Sotheby’s để bảo toàn Altice.

Với Sotheby’s, việc ông chủ nợ nần khiến nhà đấu giá này cũng khó khăn theo khi phải nợ lương nhân viên suốt nhiều tháng.

Từ 7 tỷ USD đến nợ nần

Tờ WSJ cho hay Sotheby’s là một trong 2 nhà đấu giá hàng đầu thế giới ở mảng nghệ thuật với doanh số ít nhất 7 tỷ USD hàng năm, liên tục lập nên những kỷ lục đấu giá tác phẩm cho Gustav Klimt và René Magritte.

Thế nhưng doanh số sụt giảm khiến nhà đấu giá này dần cạn tiền và đang phải nợ thanh toán cho người vận chuyển và các trung tâm bảo quản tác phẩm nghệ thuật của mình đến 6 tháng.

Một số nhân viên giấu tên nói với WSJ rằng Sotheby’s thậm chí đã trao giấy nợ cho các nhân viên cấp cao thay vì tiền thưởng như mọi năm, một điều khiến tập thể lao động cực kỳ bất mãn.

Thậm chí trong cuộc họp ban giám đốc tháng 9/2024, nhiều lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại không biết liệu Sotheby’s có thể trả lương đúng hạn cho nhân viên hay không.

Trên thực tế, Drahi nổi tiếng là vị tỷ phú thường xuyên vay nợ, chiếm dụng vốn để kinh doanh và ông ta đã làm điều tương tự với Sotheby’s.

Sau khi mua lại cổ phần chi phối bằng tiền vay, Drahi tích cực đầu tư cho các phòng trưng bày hạng sang của Sotheby’s trên khắp thế giới cùng hàng loạt những động thái vung tiền với kỳ vọng mở rộng đế chế này trước đối thủ Christie’s.

Thế nhưng thị trường ảm đạm đã khiến Drahi vỡ mộng và ngập trong nợ nần.

Giá trị trái phiếu của Sotheby’s đã giảm một nửa đầu năm nay do các nhà đầu tư lo ngại công ty không đủ dòng tiền hoạt động vì doanh số giảm và lãi suất cao.

Theo WSJ, khách hàng mua tranh hiện không còn hào hứng bởi lãi suất và lạm phát cao khiến việc mua tác phẩm nghệ thuật trở nên bất hợp lý. Các nhà đấu giá liên tục thổi phồng những tác phẩm nghệ thuật khiến người mua dần cảm thấy mất hứng, qua đó khiến nhiều đại lý của Sotheby’s báo cáo doanh số kinh doanh ảm đạm.

Trong bối cảnh đó, việc Drahi mua lại 2,7 tỷ USD cổ phần Sotheby’s vào năm 2019 nhưng lại có 1,1 tỷ USD trái phiếu kèm vay nợ trong đó trở thành gánh nặng cho chính vị tỷ phú này. Đó là chưa kể Drahi phải gánh thêm 1 tỷ USD nợ cũ của Sotheby’s trước đó.

Thay vì tiết kiệm chi tiêu và thúc đẩy doanh số, Drahi liên tục ký các khoản đầu tư xa hoa như 100 triệu USD nâng cấp tòa nhà Breuer tại New York hay hàng chục triệu USD để cải tạo không gian sang trọng tại các chi nhánh bán lẻ của Sotheby’s ở Paris hay Hong Kong.

Báo cáo của New Street Research còn cho thấy Sotheby’s chi tiền mua cổ phần các công ty bất động sản, kinh doanh ô tô và thậm chí là phải trả 1,2 tỷ USD cổ tức cho một công ty mà Drahi kiểm soát.

Tỷ phú Patrick Drahi

Điều này sẽ chẳng có gì nếu dòng tiền được ổn định nhờ giới nhà giàu từ Trung Quốc, Nga, Trung Đông hay thậm chí là các tỷ phú tiền điện tử mua tác phẩm của Sotheby’s. Thế nhưng thị trường đã hạ nhiệt và chiến lược của Drahi đổ bể.

Sotheby’s đã lỗ đến 115 triệu USD nửa đầu năm nay so với mức lãi 3 triệu USD nửa đầu năm ngoái. Thị trường nghệ thuật toàn ngành đang chịu ảnh hưởng nặng khi đối thủ Christie’s cũng giảm ¼ doanh số bán đấu giá trong nửa đầu năm.

Số liệu của New Street Research cho thấy dòng tiền tự do từ hoạt động kinh doanh (chỉ số đo lường liệu 1 công ty có kiếm đủ tiền để thanh toán các hóa đơn và tạo ra lợi nhuận hay không) của Sotheby’s đã giảm xuống còn 144 triệu USD trong 12 tháng kết thúc vào cuối tháng 6/2024, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 2/2024, hãng xếp hạng tín dụng Moody's Investors Service đã hạ xếp hạng trái phiếu của Sotheby's xuống B3, một trong những loại trái phiếu rác thấp nhất. Đến tháng 6/2024, Moody’s tiếp tục hạ xếp hạng trái phiếu của Sotheby’s một lần nữa.

Kẻ vô danh

Đầu năm 2019, khi Sotheby’s được chào bán cho những người mua tiềm năng thì tỷ phú Drahi bất ngờ xuất hiện như một kẻ vô danh trong giới nghệ thuật. Vị đại gia này sinh ra ở Morocco, học tập tại Pháp và có nhà ở Thụy Sĩ và Israel.

Tỷ phú Drahi quen biết các nhân viên Sotheby’s chi nhánh Tel Aviv-Israel nhưng không được biết đến rộng rãi trong giới nghệ thuật. Ông chủ của Altice là nhà sưu tập nghệ thuật như bao đại gia khác nhưng không tham gia các hội đồng bảo tàng lớn hay thường xuyên xuất hiện trong các buổi đấu giá.

Bởi vậy việc Drahi dấn thân vào ngành này là một bước đột phá của bản thân vị tỷ phú, thế nhưng câu chuyện có vẻ không được suôn sẻ.

Năm 2021, Sotheby’s đã thăng chức cho con trai Drahi là Nathan, khi đó 26 tuổi, để điều hành hoạt động của Sotheby’s tại Châu Á, một thị trường quan trọng.

Thế rồi hoạt động của Sotheby’s dần xáo trộn khi các nhà cung ứng, bảo quản nghệ thuật của hãng bị trễ thanh toán từ 1 tháng theo thông thường lên thành 6 tháng.

Tiếp đó, Sotheby’s kéo dài thời hạn thanh toán tiền cho người bán từ 5 ngày lên thành 15 ngày, cho phép nhà đấu giá này giữ tiền mặt lâu hơn và gián tiếp chiếm dụng vốn.

Tiếp đó, Srahi sửa đổi cơ chế lương thưởng khi cắt giảm lương của 20% nhân viên khiến nhiều giám đốc giỏi rời đi. Xin được nhắc rằng trong giới nghệ thuật, kiến thức, kinh nghiệm và danh tiếng của nhân viên là thứ cực kỳ quan trọng để mời chào khách hàng mua tác phẩm.

Tháng 2/2024, Sotheby’s tiếp tục gây sốc cho giới nghệ thuật khi thay đổi cách trả phí hoa hồng đấu giá.

Thông thường cả Sotheby’s và Christie’s đều miễn phí hoa hồng cho người bán để thu hút tác phẩm đến các nhà đấu giá của mình. Thậm chí một số trường hợp, họ còn chia sẻ phí hoa hồng lên đến 27% cho người bán nếu đấu giá thành công.

Thế nhưng Drahi đã thay đổi tất cả khi tính phí cố định 10% với người bán cho bất kỳ tác phẩm nào bán được với giá 5 triệu USD trở xuống.

Hiện chưa rõ liệu Drahi sẽ làm gì tiếp theo với Sotheby’s cũng như giải quyết rắc rối hiện nay ra sao. Tuy nhiên chắc chắn là nhiều nhân viên của Sotheby’s đã cực kỳ bất mãn với ông chủ mới của mình khi phá hủy danh tiếng của nhà đấu giá lớn nhất thế giới.

*Nguồn: WSJ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Không bán được tranh, hãng đấu giá lớn nhất thế giới Sotheby’s ngập trong 1,8 tỷ USD nợ nần, không trả nổi lương cho nhân viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO