Anh Florencio Rendon vốn là một công nhân xây dựng, cha của 2 đứa con. Sau khi bị mất việc, người đàn ông này đã quyết định học lập trình-gõ code trong một khóa đào tạo để tìm một công việc có mức lương cao, ổn định.
Quyết định của anh Rendon khi đó hoàn toàn hợp lý khi lao động ngành công nghệ được cho là đảm bảo thu nhập nhờ nhu cầu tuyển dụng cao của các tập đoàn lớn.
Thế nhưng sau khi tốt nghiệp, anh Rendon đối diện với một thực tại phũ phàng rằng nghề lập trình giờ đây đang bấp bênh hơn bao giờ hết vì trí thông minh nhân tạo (AI).
Tờ New York Times (NYT) cho hay khoảng 135.000 lao động ngành công nghệ và khởi nghiệp đã bị sa thải từ tháng 4/2023 đến nay.
Nguyên nhân chính là những công cụ AI mới như ChatGPT cùng hàng loạt sản phẩm khác được phát triển, trở nên phổ biến khiến nhu cầu lao động gõ code không còn như trước.
Bản thân anh Rendon sau khi tốt nghiệp khóa học lập trình đã không xin được bất cứ cuộc phỏng vấn nào.
Tương tự, luật sư Mal Durham sống tại Philadelphia muốn đổi sang nghề lập trình cũng lâm vào cảnh không kiếm được việc làm.
"Họ đưa ra số liệu tuyển dụng và nói mọi thứ đang đi xuống, cơ hội việc làm giảm dần. Điều này thật khó chịu với những người học lập trình như tôi", bà Durham than thở.
Tại Boston, anh Dan Pickett đã quyết định tạm dừng các khóa học lập trình của mình vô thời hạn vào tháng 5/2024 vì tỷ lệ tìm được việc làm từng cao tới 90% nay đã giảm xuống dưới 60%.
Báo cáo của CompTIA cho thấy số lượng bài đăng tuyển dụng các nhân viên lập trình có kinh nghiệm đã giảm 56% so với 5 năm trước. Đối với những công việc không yêu cầu lập trình có kinh nghiệm , tỷ lệ này giảm đến 67%.
"Đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất cho lao động ngành công nghệ mà tôi từng thấy trong 25 năm qua", giám đốc Venky Ganesan của quỹ đầu tư mạo hiểm Menlo Ventures cho hay.
Tờ NYT cho hay trong nhiều năm, công thức học lập trình rồi làm việc chăm chỉ sẽ có công việc đã đem lại thành công, nhưng giờ đây chúng không còn chính xác nữa.
Nói cho đúng hơn, xu thế phát triển AI là tất yếu và lao động ngành công nghệ cần có sự thay đổi nếu còn muốn tồn tại.
Không thể thay đổi
Kể từ khi xuất hiện vào giữa thập niên 2010, các khóa học chuyên sâu về các kỹ năng lập trình cơ bản đã được ca ngợi là con đường nhanh chóng dẫn đến sự nghiệp được trả lương cao, đặc biệt là đối với những người không tốt nghiệp đại học.
Tổng thống Barack Obama đã đưa chúng vào sáng kiến việc làm của mình, các tổ chức phi lợi nhuận đã thành lập chúng để thúc đẩy những người có xuất thân khác nhau tiếp cận được ngành công nghệ, các trường đại học từ Harvard đến Berkeley đều cung cấp những khóa học lập trình riêng của mình.
Ban đầu, số liệu của CourseReport cho thấy những khóa học này giúp 79% số người tốt nghiệp có được việc làm trong ngành công nghệ với mức tăng lương bình quân 56%.
Thế rồi AI ra đời với sự bùng nổ của ChatGPT.
Công nghệ mới này đã liên tục học hỏi và cải tiến, tính toán các câu trả lời theo cách khác với các mô hình trước đây và dần hoàn thiện khả năng viết mã code hay lập trình của mình.
Các công cụ như AlphaCode của Google và Copilot của GitHub tạo các đoạn mã cho các mục đích cụ thể, thử nghiệm hoặc tối ưu hóa mã hiện có và tìm lỗi.
Khảo sát của StackOverflow cho thấy 60% số nhà phát triển phần mềm có sử dụng các công cụ mã hóa viết bởi AI trong năm 2024.
Mặc dù còn mắc phải nhiều lỗi vô lý do chưa hiểu được các vấn đề đang giải quyết nhưng AI đã thực sự thay đổi cách lập trình cũng như thị trường lao động công nghệ. Trong một nghiên cứu, trợ lý mã hóa AI đã giúp các nhà phát triển tăng năng suất thêm 20%.
Điều đáng nói ở đây là xu thế này không thể dừng lại và công thức học lập trình-làm việc chăm chỉ cũ sẽ buộc phải thay đổi.
CEO Sundar Pichai của Google cũng phải thừa nhận rằng hơn ¼ mã mới của hãng hiện đang được tạo ra bởi AI.
Tất nhiên, có những chuyên gia cho rằng AI sẽ hỗ trợ lập trình, khiến nhiệm vụ gõ code trở nên dễ dàng hơn.
Thế nhưng, nhà sáng lập Zach Sims của Codecademy thì lại cho rằng "tương lai sẽ khá ảm đạm".
Những ‘con khỉ GPT’
Theo nhà sáng lập Sims, mặc dù mọi người vẫn nên học lập trình nhưng nhu cầu thị trường đang dần thay đổi nhanh chóng và ít cơ hội hơn.
Đồng quan điểm, phó giáo sư quản lý công nghệ Matt Beane tại Đại học California cho biết thuật ngữ "con khỉ GPT" (GPT Monkeys) hiện thường xuyên xuất hiện hơn để ám chỉ những nhân viên lập trình bị giao các nhiệm vụ nhỏ mà họ chỉ có thể xử lý với sự trợ giúp của công cụ AI.
Với nhiều lập trình viên mới vào nghề, đôi khi họ còn không có cơ hội được giao những nhiệm vụ nhỏ có hỗ trợ bằng AI bởi các mã này thường chứa đầy lỗi khó phát hiện nếu không có kinh nghiệm. Bởi vậy các nhà phát triển cấp cao đôi khi thích tự gõ code bằng AI để tự sửa hơn là để một lập trình viên mới vào nghề thử việc.
Điều đáng nói ở đây là các lập trình viên mới cần được đào tạo để có thể phát triển nhưng những công việc giúp xây dựng chuyên môn như vậy đang bị AI lấy mất.
Bởi vậy theo phó giáo sư Beane, các lập trình viên bây giờ cần phải trau dồi kỹ năng hơn nữa để có thể tìm ra các lỗi của những mã do AI viết, khiến việc trở thành một kỹ sư phần mềm ngày càng khó khăn.
Những lập trình viên kém, học sáo rỗng sẽ bị nhanh chóng thay thế bằng các công cụ AI.
Thậm chí những khóa học lập trình cấp tốc cũng sẽ dần biến đổi khi nhà phát triển phần mềm cần có nền tảng vững chắc để quản lý mã code do AI tạo ra.
Tuy nhiên, yêu cầu của các doanh nghiệp cho đến hiện nay vẫn mơ hồ khi AI gõ code còn ở giai đoạn sơ khai thử nghiệm.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Microsoft và LinkedIn, khoảng 66% giám đốc điều hành cho biết sẽ không thuê lao động không có kỹ năng về AI, thế nhưng chính họ cũng không biết những kỹ năng đó cụ thể là gì.
Dẫu vậy cho dù thế nào, nghề lập trình viên đã không còn như trước.
Với anh Rendon, sau khi không tìm được việc với nghề gõ code, người đàn ông 2 con này đã phải trở về làm thợ xây dựng.
*Nguồn: NYT