Sự kiện kinh tế đáng nhớ nhất năm nay phải nhắc đến lạm phát. Nếu nói "lạm phát là khi đồng tiền mất giá" thì chưa hợp lý hẳn, cần phải tiếp cận từ góc độ "lạm phát là khi hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt hơn". Bởi lẽ, trong cùng một quốc gia, dù tất cả cùng sử dụng chung một đồng tiền, nhưng mỗi loại hàng hóa dịch vụ ở mỗi khu vực lại có mức lạm phát khác nhau vì các yếu tố gây tác động lên giá thị trường mỗi nơi đều không giống nhau.
Lạm phát sinh ra có thể do chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTW) bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế nhằm kích cầu, cầu tăng thì giá cả tăng lên. Nhưng lạm phát còn xuất hiện theo nhiều cách khác. Ví dụ ở Michigan, Mỹ, vào mùa đông, giá điện và khí đốt ở đây tăng đáng kể. Trong khi đó, California lại không gặp vấn đề này vì nơi đây có khí hậu ấm áp.
Đây là tiền đề đầu tiên để hiểu vì sao Thụy Sĩ, một đất nước nằm ở Tây Âu, lại gần như đang ‘miễn nhiễm’ với lạm phát.
Sự khác biệt của CPI giữa nước giàu và nghèo
Nếu không sống ở các đô thị lớn, ta sẽ cảm nhận được lạm phát rõ ràng hơn. Một ví dụ tiêu biểu cho điều này là châu Âu, khu vực gồm nhiều quốc gia nhưng dùng chung đồng tiền EUR. Hiện nay, tỉ lệ lạm phát của Pháp chỉ là 6,2% trong khi Latvia là tận 21,8%, tức cao hơn gần bốn lần.
Tỉ lệ lạm phát ở châu Âu, theo Trading Economics, tháng 10-2022
Thoạt đầu, ai cũng có thể chỉ ra một lý do quá rõ ràng khi nhìn vào bản đồ: Latvia nằm cạnh Nga và gần Ukraina nên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về mặt kinh tế do bất ổn trong khu vực này.
Nhưng còn một lý do khác, đó là phép tính lạm phát ở Pháp trông sẽ khác với ở Latvia. Latvia là một đất nước nghèo hơn Pháp. Hộ gia đình ở các nước nghèo thường sử dụng phần lớn thu nhập hàng tháng để mua nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, điện nước.
Còn ở các nước giàu hơn, nhu yếu phẩm cơ bản chỉ chiếm một phần nhỏ trong thu nhập hàng tháng, còn lại nhường chỗ cho hàng hóa cao cấp hơn, thậm chí cả xa xỉ phẩm. Lương thực và năng lượng là hai thứ đang bị ảnh hưởng trầm trọng nhất bởi các sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu. Trong CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Latvia, hai thứ này chiếm trọng số lớn nhất, nên tỉ lệ lạm phát của nước này cũng từ đó mà cao hơn.
Giá bán buôn điện ở Latvia, tính theo Euro/MW giờ
Quay trở lại với Thụy Sĩ, đây vốn là đất nước giàu có bậc nhất thế giới. Người dân giàu có sẽ giúp nền kinh tế quốc gia bớt bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Xét trong một khoản thu nhập hàng tháng của người Thụy Sĩ, tỉ lệ chi tiêu cho nhu yếu phẩm cơ bản ít hơn tỉ lệ chi tiêu cho đồ xa xỉ. Ví dụ, người giàu sẽ chi tiêu trong nhà hàng nhiều hơn người có thu nhập thấp. Kể cả nếu lạm phát quá cao, thì người giàu sẽ có thể lựa chọn để không đi ăn nhà hàng nữa, từ đó giảm cầu và thúc đẩy nhà hàng hạ giá để kéo khách quay lại.
Đồng tiền đảm bảo bởi nhiều tài sản
Franc Thụy Sĩ là một trong số ít những đồng tiền không bị mất giá so với đô la Mỹ đang mạnh lên gần đây. Lý do chính là đồng Franc Thụy Sĩ được bảo đảm bằng một lượng dự trữ vàng lớn, cùng nhiều tài sản tài chính, bất động sản và trái phiếu từ các chính phủ khác. NHTW Thụy Sĩ có thể chủ động đảm bảo sự ổn định của đồng tiền nước mình trên thị trường ngoại hối. Nếu giá Franc Thụy Sĩ quá thấp, họ có thể bán tài sản và rút bớt tiền nước mình khỏi thị trường. Khi giá quá cao, họ có thể dùng đồng tiền của mình để mua tài sản.
Việc này nghe giống như neo giá tiền tệ ("currency peg") nhưng cũng không hẳn, vì Thụy Sĩ không nhắm tới một mức giá nhất định nào cả. Họ để thị trường quyết định giá nhưng sẽ can thiệp nếu cần thiết.
Cường độ thương mại lớn khi có đồng tiền mạnh
Nền kinh tế Thụy Sĩ phụ thuộc mạnh mẽ vào ngoại thương, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, tức có cường độ thương mại cao. Năm 2020, Thụy Sĩ xuất khẩu 305 tỉ USD hàng hóa, dịch vụ và nhập khẩu con số tương đương là 302 tỉ USD. Xuất khẩu bình quân đầu người là 35.400 USD, còn nhập khẩu bình quân đầu người là 35.000 USD. Để so sánh thì ở Mỹ, con số này là 4.000 USD xuất khẩu/người và 7.000 USD nhập khẩu/người.
Trao đổi thương mại vốn được xem là một nguyên nhân quan trọng trong việc gây ra lạm phát. Chuỗi cung ứng toàn cầu và các căng thẳng thương mại đang gây ra hàng loạt vấn đề trên toàn thế giới. Nhưng Thụy Sĩ chủ yếu nhập khẩu ngay từ các nước láng giềng trong khối EU và Anh Quốc thông qua các con đường nối thẳng như tàu hỏa, xe tải, gần như không phụ thuộc vào cảng biển và ít xảy ra chậm trễ từ các trung tâm phân phối.
Hơn nữa, Thụy Sĩ có thể dùng đồng tiền làm đòn bẩy để nhập khẩu với giá rẻ hơn 10% so với giá nguyên gốc của cả một năm về trước. Trung bình mỗi năm, một người dân Thụy Điển nhập khẩu 35.000 USD giá trị hàng hóa và dịch vụ. Nếu dùng đồng Franc Thụy Sĩ để nhập khẩu từ các nước dùng đồng Euro thì mỗi người dân sẽ có lợi 3.500 USD. Nhờ đồng tiền mạnh mà họ bù đắp được một phần lớn lạm phát trong quá trình thương mại.
Tỉ giá từ EUR sang CHF (Franc Thụy Sĩ), theo Statista
Mặt khác, xuất khẩu của Thụy Sĩ bao gồm những sản phẩm, dịch vụ rất cao cấp với giá trị gia tăng rất lớn, không bị ảnh hưởng nặng nề bởi các loại hàng hóa, nguyên liệu tuy số lượng lớn nhưng biên lợi nhuận thấp. Ví dụ, cùng là nguyên liệu đầu vào là kim loại, sắt thép nhưng đồng hồ Thụy Sĩ làm ra sẽ có chất lượng tốt hơn hẳn. Giá trị gia tăng và và giá thành cũng cao hơn hẳn những nơi khác.
Ngoài ra, còn có một vài yếu tố khác giúp Thụy Sĩ vững vàng trước cơn sóng lạm phát, ví dụ như tự động hóa nhiều bằng máy móc, hay chủ yếu dùng thủy điện và ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu và khí đốt như ở EU.
Tham khảo từ: Economics Explained