‘Khách hàng trung thành’ suốt 6 thập kỷ tuyên bố ngừng mua khí đốt Nga: Cầm 230 triệu USD tiền năng lượng của Moscow nhưng không trả, nay chật vật đi tìm nguồn cung mới

An Chi | 10:53 25/02/2025

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào năm 2022, các nước Trung Âu đã xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, việc cắt đứt nguồn cung khí đốt từ Nga lại là rất khó khăn với Áo.

‘Khách hàng trung thành’ suốt 6 thập kỷ tuyên bố ngừng mua khí đốt Nga: Cầm 230 triệu USD tiền năng lượng của Moscow nhưng không trả, nay chật vật đi tìm nguồn cung mới

Cách vài phút đi bộ từ một ga tàu điện ngầm ở phía đông bắc Vienna, quang cảnh không khác gì Texas, Mỹ: Một giàn khoan cao hơn 9 mét đứng giữa vùng đất trống.

Tuy nhiên, không phải dầu, các giếng này sẽ bơm hơn 6.400 mét khối nước nóng mỗi ngày từ sâu dưới lòng đất. Hơi nóng của nước ban đầu sẽ được sử dụng để sưởi ấm cho 20.000 hộ gia đình ở Vienna, sau đó nước được bơm trở lại về bên dưới giếng.

Việc khai thác năng lượng địa nhiệt như vậy sẽ giúp giảm mức tiêu thụ khí đốt của thành phố. OMV, công ty có trụ sở tại Vienna giám sát dự án, đang nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc suốt 6 thập kỷ vào khí đốt Nga bằng cách thúc đẩy các nguồn năng lượng mới.

Phụ thuộc vào năng lượng của Nga suốt 56 năm

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào năm 2022, các nước Trung Âu đã xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, việc cắt đứt nguồn cung khí đốt từ Nga lại là rất khó khăn với Áo. Đây là quốc gia cho đến gần đây vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiên liệu qua đường ống.

Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu toàn cầu tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, cho hay: “Áo cực kỳ phụ thuộc vào khí đốt của Nga, có thể lên đến 90%.”

Áo là một trong những quốc gia EU đầu tiên bắt đầu nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 1968. Mối quan hệ đối tác giữa 2 nước đã phát triển mạnh hơn kể từ đó. Georg Zachmann, thành viên cấp cao của viện nghiên cứu Bruegel, cho biết, nhiều thế hệ giám đốc điều hành các doanh nghiệp châu Âu và Nga vẫn nhắc đến “những câu chuyện về mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia”.

Gần đây, OMV - công ty trước đây do Liên Xô quản lý, cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tôn trọng hợp đồng nhập khẩu khí đốt lớn mà họ đã ký vào năm 2006 với Gazprom.

Tuy nhiên, đến tháng 12, CEO của OMV, Alfred Stern, thông báo đã chấm dứt hợp đồng có hiệu lực đến năm 2040. OMV chỉ ra rằng Gazprom đã “nhiều lần vi phạm nghĩa vụ hợp đồng”. 

Trước đó, tháng 11, OMV cũng cho biết họ đã thắng một vụ kiện trọng tài quốc tế tại Đức cáo buộc Gazprom cung cấp khí đốt không đều cho chi nhánh tại Đức, với số tiền đền bù là 230 triệu euro (239 triệu USD), đây là khoản tiền khí đốt được Gazprom cho OMV giao trong tháng 10 năm ngoái.

Nỗ lực đi tìm nguồn cung mới

Hiện tại, Áo gần như đã ngừng mua khí đốt Nga. Đường ống dẫn khí đốt cho Áo qua Ukraine và Slovakia đã ngừng hoạt động vào đầu năm nay.

OMV cho biết họ đã chuẩn bị cho thời điểm này trong hơn 2 năm, với vai trò là một công ty lớn có 24.000 nhân viên và một chi nhánh kinh doanh khí đốt l/3 thị trường Áo. Trong năm 2024, OMV báo cáo lợi nhuận đã điều chỉnh là 5,1 triệu euro (khoảng 5,3 triệu USD), doanh số đạt 34 tỷ euro (khoảng 36 tỷ USD).

Stern cho biết OMV hiện đang vận chuyển khí đốt bằng đường ống từ Na Uy, nơi OMV có các cơ sở sản xuất. Công ty cũng vận chuyển LNG từ một nhà ga lớn ở Rotterdam, Hà Lan và ký hợp đồng dài hạn với BP và Cheniere Energy, nhà cung cấp lớn của Mỹ.

Bối cảnh năng lượng ở châu Âu thay đổi đã giúp hoạt động sản xuất tích hợp của OMV được đánh giá cao hơn. Áo có ngành công nghiệp dầu khí đã được vận hành từ lâu đời, chủ yếu do OMV vận hành. 

Khoảng 1.000 giếng được thiết lập trên diện tích khoảng 390 nghìn ha, chủ yếu là đất bằng phẳng, cách Vienna không xa. Dọc theo các con đường trong khu vực này, các giắc cắm bơm màu xanh lam và xanh lục liên tục “gật gù”. 

Tại thị trấn Gänserndorf, Trung tâm Đổi mới và Công nghệ đã được xây dựng và là nơi làm việc của các chuyên gia trong các lĩnh vực như khoan giếng theo chiều ngang hoặc ép thêm dầu từ giếng bằng polyme.

Gần một thị trấn có tên là Wittau, OMV đang chuẩn bị khai thác mỏ khí đốt được cho là lớn nhất ở Áo trong 40 năm qua. Henrik Mosser, tổng giám đốc của OMV phụ trách thăm dò và sản xuất tại Áo, cho biết phát hiện này có thể giúp tăng sản lượng vốn thấp của OMV tại Áo lên khoảng 50%.

"Cai nghiện" khí đốt Nga không dễ

Romania cũng có thể là nơi có nguồn cung khí đốt dồi dào. Song, yếu tố giúp Áo vượt qua mùa đông giá lạnh năm nay là lượng khí đốt dự trữ khổng lồ của nước này. OMV duy trì lượng dự trữ tương đương khoảng 1/4 lượng tiêu thụ hàng năm của cả nước. Nhìn chung, nước này có thể lưu trữ lượng khí đốt đủ dùng trong hơn 1 năm.

Thời tiết giá rét bất thường trong năm nay đã khiến châu Âu và Áo phải trả giá đắt cho việc cắt giảm khí đốt từ Nga. Dù giá khí đốt ở châu lục này chưa đạt mức cao như năm 2022 nhưng gần đây vẫn ở mức đắt nhất trong 2 năm. Áo thậm chí phải chi trả số tiền nhiều hơn khi vận chuyển khí đốt qua biên giới, chủ yếu là qua Đức.

Những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine đã mở ra một “lối đi” tiềm năng khác để bổ sung nguồn cung. Ngành công nghiệp năng lượng EU đang bắt đầu thảo luận về khả năng nối lại dòng khí đốt của Nga tới châu Âu nếu đạt được lệnh ngừng bắn.

“Ngay cả một lượng khí đốt không nhiều của Nga cũng sẽ giúp giảm đáng kể áp lực lên thị trường khí đốt châu Âu”, Henning Gloystein, một nhà phân tích năng lượng tại Eurasia Group, cho hay.

Trái lại, Stern lại không có quan điểm tích cực về việc nối lại hoạt động kinh doanh với Gazprom.

Tham khảo NYT


(0) Bình luận
‘Khách hàng trung thành’ suốt 6 thập kỷ tuyên bố ngừng mua khí đốt Nga: Cầm 230 triệu USD tiền năng lượng của Moscow nhưng không trả, nay chật vật đi tìm nguồn cung mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO