Khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá

Lê Hà | 00:35 12/11/2022

Chiều ngày 11/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tại phiên thảo luận hội trường đã có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có báo cáo giải trình.

111120220234-97654.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện hành, khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá, đảm bảo khả thi, đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến và các điều khoản cụ thể như phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính cụ thể, tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật khác liên quan.

111120220537-tc.jpg

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Luật Giá năm 2012 đã có những đóng góp nhất định trong quá trình kiểm soát giá, góp phần kiểm soát lạm phát ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về giá cả. Công tác dự báo, ứng phó với những biến động bất thường còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc thực thi pháp luật về giá. Do đó, Luật sửa đổi lần này cần nhấn mạnh đến công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, quản lý giá và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc thực thi pháp luật về giá...

Dựa vào chương 7 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá chỉ có ba điều, khoản; chưa làm rõ được nội dung giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật. Do đó cơ quan soạn thảo cần gia cố thêm nội dung và làm rõ hơn vai trò của cơ quan tham gia trong việc kiểm tra, hậu kiểm, giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật cũng như việc xử phạt khi vi phạm các điều khoản của luật này.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Trong hoạt động điều hành giá, Nhà nước cần bám sát các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan.

Đối với nội dung về bình ổn giá, đặc biệt là bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng chỉ nên can thiệp vào thị trường ở một vài thời điểm nhất định, cần có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo ổn định thị trường, đồng thời cũng hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp. Không đồng tình với việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng Quỹ bình ổn giá không phải là một biện pháp để bình ổn giá, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội dung Quỹ bình ổn giá xăng dầu là “bước đệm” để bình ổn giá xăng dầu, đồng thời đề nghị sử dụng linh hoạt nhiều công cụ khác trong bình ổn giá. Về vấn đề niêm yết giá, đại biểu cho rằng, Điều 32 còn quy định chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể, không xác định rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, chưa thể hiện rõ phương pháp quản lý phù hợp.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính chặt chẽ của dự thảo Luật.

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Khoản 5 Điều 15 của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tổ chức phân công, phân cấp việc tiếp nhận, kê khai giá trên địa bàn tỉnh.

Về vấn đề này, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị phân công rõ việc tiếp nhận, kê khai giá để có sự thống nhất trên địa bàn toàn quốc. Đối với nội dung thẩm định giá và doanh nghiệp thẩm định giá, dự thảo luật có một nội dung rất cơ bản là thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa gồm:thẩm định giá về tài sản, thẩm định giá về doanh nghiệp nhà nước góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên sâu.

111120220416-z3872803884055_a3208782d91abed8f504f3726107c7e4-1-.jpg

Tuy nhiên, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị xem xét quy định tăng số lượng thẩm định viên giá để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Về đạo đức nghề nghiệp của người thẩm định giá, tại Điều 47 của dự thảo luật quy định về đăng ký hành nghề thẩm định giá. Theo đó, đại biểu cho rằng, yêu cầu phải có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ 36 tháng trở lên sẽ hạn chế sự phát triển của nguồn nhân lực thẩm định giá.

Đại biểu Khương Thị Mai nêu quan điểm, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ thì người hành nghề cần vượt qua kỳ thi về kiến thức chuyên môn theo quy định, chứ không nên quy định yêu cầu ràng buộc phải có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá… Đại biểu đề nghị luật nên hướng tới quy định nội dung nâng cao chất lượng kỳ thi, thẩm định viên về giá để đánh giá đúng người có chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp thay vì hạn chế người được tham gia.

Góp ý vào Điều 23 về định giá quy định về nguyên tắc định giá phải bù đắp các chi phí sản xuất kinh doanh thực tế, hợp lý về lợi nhuận, phù hợp với mặt bằng thị trường cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Đại biểu cho rằng, một số sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước khó xác định sao cho phù hợp với mặt bằng thị trường, nhất là việc tính lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính trong phương án giá.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Trong dự án Luật cần bổ sung việc đưa mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu trong những trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cần có sự thẩm định sao cho phù hợp với thực tiễn.

Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật quy định nghiêm cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá.

111120220324-z3872616921206_d4befa8bd3c430260d5058674384fded.jpg

Trên thực tiễn, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm giá một số loại trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, test kit, xét nghiệm khẩu trang tăng rất nhanh. Vì vậy, trong nội dung điều khoản cần làm rõ khái niệm không phù hợp, bởi thực tế một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi giá bán hàng hóa cao gấp giá nhập khẩu vài chục phần trăm. Chính vì vậy, tạo ra tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế công lập khi phải mua trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phòng, chống dịch, thậm chí có những bên bán cũng không muốn tham gia vào giao dịch với các cơ sở y tế Nhà nước vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Trước thực tế trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo dự án Luật cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc trên giá thành toàn bộ đối với các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và có thể xem đây như một biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào Khoản 3 Điều 20 của dự án Luật.

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Các nội dung quy định tại Luật Giá (sửa đổi) đã khắc phục được bất cập, hạn chế của Luật Giá năm 2012. Tuy nhiên về phạm vi sửa đổi, đại biểu cho rằng, vấn đề quản lý giá đã được đề cập chủ yếu ở Luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng quy định các nội dung về quản lý giá như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng. Vì vậy đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ giới hạn, phạm vi điều chỉnh của luật, mối quan hệ với các luật có liên quan.

Bên cạnh đó, đại biểu Lại Văn Hoàn cho rằng, dự thảo Luật chưa đảm bảo tính bao quát một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến điều khoản minh bạch trong quản lý giá, chưa quy định rõ tiêu chí cụ thể về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp tổ chức kinh doanh trên nền tảng số chưa được đề cập và chế độ trách nhiệm trong thẩm định giá nhà nước chưa rõ ràng.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 4, đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm về “giá trị phi thị trường” vào Điều 4 dự thảo. Bên cạnh đó đại biểu cho rằng, không nên đưa khái niệm “thông đồng về giá, thẩm định giá”.

Về nguyên tắc thẩm định giá tại Điều 23, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị tách quy định về định giá nhà nước riêng, định giá tổ chức, cá nhân riêng để tránh nhầm lẫn, khó quy định và có thể chỉnh sửa thành thành: Nguyên tắc định giá nhà nước bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh thực tế, lợi nhuận hợp lý theo nguyên tắc phù hợp với mặt bằng chung của thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

111120220346-z3872543605899_9fd3811145a788fada902d84bc789a1a.jpg

Liên quan đến nguyên tắc định giá của tổ chức, cá nhân bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, chi phí lưu thông thực tế và lợi nhuận kỳ vọng để xác định giá bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra thị trường theo nguyên tắc cạnh tranh cung – cầu. Đồng thời bổ sung quy định về Hội đồng định giá nhà nước, cụ thể vai trò, nhiệm vụ, đối tượng cụ thể để tách biệt với hoạt động của Hội đồng thẩm định giá nhà nước.

Đề cập về giá tham chiếu, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị chỉnh sửa thành giá tham chiếu là mức giá đại diện của hàng hóa, dịch vụ tại thị trường trong nước và quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và kết quả trực tiếp thực hiện khảo sát thông tin thị trường và kết quả tổ chức tư vấn cung cấp đã được thẩm tra để các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng làm căn cứ quyết định giá mua và bán hàng hóa, dịch vụ.

Về hoạt động thẩm định giá tại Điều 43, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị cần bổ sung lại khái niệm “tài sản thẩm định giá” cho đầy đủ với nhu cầu thực tế về thẩm định giá. Định nghĩa này có thể đưa lên Điều 4 của dự thảo.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Dự thảo Luật đã giải thích từ ngữ đối với “giá trị thị trường” nhưng trong thực tế vẫn còn “giá trị phi thị trường”. Do đó, đại biểu đề nghị cần giải thích từ ngữ và bổ sung khái niệm này vào trong luật, bởi trong hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá còn có tiêu chuẩn về cơ sở giá trị này.

Đối với các biện pháp điều khiển giá như bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá đã được giải thích làm rõ khái niệm. Tuy nhiên, điều tiết giá và điều tiết giá theo cơ chế thị trường chưa được làm rõ. Về quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 7, đại biểu đề nghị cần làm rõ thế nào là bất hợp lý để tránh tình trạng quy định mang tính định tính, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Mặt khác, hiện nay không có quy định về lợi nhuận, định mức ngành và nguyên tắc cung cầu, cơ hội đầu tư. Do đó không thể áp dụng luật ngành để can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào quan hệ thị trường. Trong khi đó lại không thể cung cấp số liệu thống kê về lợi nhuận, định mức ngành để khống chế việc tăng giá, nhất là việc tăng giá không phải là mặt hàng thiết yếu trong những thời điểm nhất định.

111120220431-z3872716829510_53ede990e06ab3ae2a626693b1848e8c.jpg

Liên quan tới quy định quản lý nhà nước về giá, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị bổ sung nội dung ứng dụng công nghệ thông tin về giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về giá để phù hợp với quy định khác tại dự thảo luật. Đồng thời đề nghị quy định thống nhất trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về giá.

Để đảm bảo thực hiện Chính phủ số, Chính phủ điện tử, đại biểu đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện việc quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về giá nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến quy định về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần quy định chi tiết một số nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện được bình ổn giá. Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu thành phẩm, thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh can thiệp quá sâu vào thị trường; đồng thời, đảm bảo định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến bình ổn giá để không làm hoặc giảm thiểu ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng chất lượng trang thiết bị, vật tư y tế cho khám chữa bệnh.

Bày tỏ đồng tình với nguyên tắc bình ổn giá được quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần tiếp tục quy định rõ hơn các tiêu chí để xác định khi nào giá tăng quá cao hoặc quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh mặt bằng giá thị trường.

Đồng thời, tại Điều 20 dự thảo Luật, Chính phủ cũng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bình ổn giá, bao gồm điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất nhập khẩu, điều hòa hàng hóa giữa các vùng giữa các địa phương thông qua tổ chức lưu thông hàng hóa mua vào bán ra dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông quy định giá cụ thể giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất từng loại hàng hóa, dịch vụ và thời hạn áp dụng.

111120220432-z3872746937770_02a7c2d31808cf094af09d5d45872189.jpg

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng quy định trên là khá rộng về thẩm quyền những lại thiếu các tiêu chí, căn cứ và phương pháp định giá cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch, ảnh hưởng không tốt cho thị trường, không đảm bảo với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý về Quỹ Bình ổn giá, đại biểu đề nghị cần tiếp tục đánh giá sự phù hợp của Quỹ nhằm tránh lạm dụng hoặc giảm thiểu tác động không mong muốn khi thực hiện bình ổn giá.

Ngoài ra, về căn cứ và phương pháp định giá, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị dự thảo cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng nghiên cứu tính phù hợp, bổ sung quy định cụ thể các phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Đề nghị áp dụng cách tính đặc thù đối với lĩnh vực y tế, không thể áp dụng cách tính như giá thông thường. Bởi dịch vụ y tế không lợi nhuận và không thể điều hòa, kiểm soát cung cầu hàng hóa thông thường và không thể kiểm soát được theo hàng hóa thông thường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phân tích thêm, đối với dịch vụ y tế cũng không thể từ chối bán hàng trong mọi trường hợp. Hơn nữa, dịch vụ y tế rất khó xác định giá trị của thương hiệu, vì các yếu tố hình thành giá có thể bệnh viện hạng 3 có thương hiệu hơn bệnh viện hạng 1 và thương hiệu của bác sỹ hơn của Tiến sỹ, nếu xét về mặt chuyên môn.

Đại biểu đề nghị cần quy định rất rõ ràng cách tính giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư nhân, trong đó Bộ Y tế sẽ tính các gói dịch vụ y tế cơ bản và gói dịch vụ y tế nâng cao.

Đối với dịch vụ y tế cơ bản, Nhà nước đặt hàng, còn các dịch vụ y tế nâng cao tính giá trị ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tính giá trị thương hiệu vô hình, khi đó người dân có thể chọn dịch vụ này. Từ những phân tích ở trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách áp dụng cách tính đặc thù trong lĩnh vực y tế.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Đối với vấn đề đưa giá về cho các đơn vị chủ quản như y tế, sách giáo khoa, đại biểu cho rằng cần có vai trò của Bộ Tài chính trong quản lý giá, cần quy định rõ về giá trần và giá sàn để có cơ sở cho một số đơn vị tự định giá.

Đại biểu cho rằng, Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới về quản lý, điều tiết giá, định giá, thẩm định giá, xử phạt trong lĩnh vực giá. Trong đó, việc điều tiết giá là đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi giá xăng dầu có nhiều biến động làm việc điều hành giá gặp nhiều khó khăn.

111120220435-z3872815137381_7cbae17181cbf631fb9a98f779a2bd44.jpg

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ những khái niệm hàng hóa, dịch vụ, giá trị thị trường để đảm bảo tính chặt chẽ trong quy định pháp luật. Việc phân cấp, phân quyền đối với các Bộ, ban, ngành cần được thể hiện cụ thể, rõ nét hơn nữa. Về vấn đề bình ổn giá, đại biểu cho rằng cần có quy định chi tiết danh mục các mặt hàng bình ổn, việc bình ổn giá phải kịp thời, nhanh, đáp ứng được yêu cầu trong điều hành, quản lý.

Đối với việc tham chiếu giá, kê khai giá, đại biểu cho rằng việc thực hiện tham chiếu giá đang mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần cụ thể hơn về quản lý nhà nước trong nội dung này. Vì vấn đề về giá là chìa khóa cho mọi vấn đề. Do đó vai trò thẩm định giá sẽ có ý nghĩa quyết định. Nếu vấn đề này làm tốt thì nhiều vấn đề khác sẽ theo đó mà thuận lợi hơn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Có nhiều điều, khoản còn giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có những quy định quan trọng. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng vào văn bản Luật để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của dự thảo Luật.

Về phân cấp thẩm quyền, đại biểu đề nghị cần giải trình rõ để tăng tính thuyết phục, để thống nhất thực hiện khi thay đổi thẩm quyền, trong đó có thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đại biểu nhấn mạnh, phân cấp phải chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm.

Đối với việc thẩm định giá hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa Bộ, ngành quản lý, đại biểu đề nghị khi thẩm định giá cần có cơ quan tài chính cùng cấp tham gia để đảm bảo tính khách quan, phòng ngừa trường hợp lợi dụng gây thất thoát.

Về các hành vi bị cấm, đại biểu cho rằng quy định của Luật cũng đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để tránh bỏ sót, đồng thời cần thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn nữa để đảm bảo khả thi khi áp dụng pháp luật, nhanh chóng tạo tác động thực tế khi luật được chính thức ban hành.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Quỹ bình ổn giá đã giúp cho giá cả hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ bình ổn giá trong thời gian qua cho thấy việc vận hành còn có nhũng hạn chế.

Theo đại biểu Vũ Tuấn Anh, chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu, không lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng khác. Ngoài ra, cần công khai minh bạch việc sử dụng quỹ bình ổn giá, kèm theo đó là kiểm soát nguồn cung cầu.

Trong thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cho thấy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc là giảm quá mạnh. Việc sử dụng quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của Nhân dân.

Xét về bản chất, giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá sẽ tác động làm giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn. Do đó, nếu sử dụng được biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu quy định tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá.

111120220547-z3872849774034_d7e3e06729868c4ea5433a8152147843.jpg

Trong điều kiện hiện nay thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu còn khó khăn. Vì vậy, trước mắt, đại biểu Vũ Tuấn Anh thống nhất giữ Quỹ bình ổn giá như dự án Luật, song cần quy định rõ là chỉ lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác. Đồng thời cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo được thực thi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Phát biểu giải trình, Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật này.

111120220504-z3872881153614_79ff49f5b83b70382439f9d5a3400785.jpg

Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ và tại Hội trường, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét.

Về mối quan hệ của Luật giá (sửa đổi) và các Luật khác, Bộ trưởng cho biết hiện có 21 Luật có quy định về giá. Để khắc phục những chồng chéo giữa các Luật chuyên ngành, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá; Luật giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá; quy định thống nhất Danh mục hàng hóa. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng đặc thù, chuyên ngành thì quy định rõ những vấn đề về nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá thực hiện theo quy định tại Luật chuyên ngành.

Về hiệp thương giá, Dự án Luật lần này không xác định phạm vi và chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp hiệp thương giá với nhau, cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò là trọng tài.

Đối với ý kiến đại biểu đề nghị đưa sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, Bộ trưởng cho biết, ý kiến này có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban tài chính ngân sách trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để có quy định phù hợp.

Về vấn đề kê khai giá, Bộ trưởng cho rằng, giữa rất nhiều loại giá với những vai trò khác nhau, cần tập trung vào một số giá cụ thể để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh với nguồn lực hữu hạn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, kê khai giá là nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có thay đổi, đảm bảo không biến động giá đột ngột. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu và quy định chi tiết hơn nữa về nội dung này.

Ngoài ra, đối với nhiều nội dung khác của Dự án Luật, Bộ tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến các đối tượng tác động; tham vấn ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật này trình Quốc hội xem xét.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO