Đó là cuốn sách "Nvidia – Cỗ máy tư duy vĩ đại" của nhà báo điiều tra Stephen Witt (người có nhiều bài viết trên các tờ báo danh tiếng như The New Yorker, Financial Times, Wall Street Journal...). Đây là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam viết về Jensen Huang và hành trình xây dựng Nvidia, một trong những công ty công nghệ có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay.
Vào cuối năm 2024, CEO Nvidia Jensen Huang đã có chuyến thăm Việt Nam, mở ra một chương mới cho sự phát triển công nghệ mạnh mẽ tại nước ta. Ít ai biết rằng, Jensen Huang từng có một tuổi thơ đầy vất vả. Ông từng là nhân viên rửa bát, bồi bàn. Không phải thần đồng, không học ở Harvard hay Stanford, nhưng chính từ điểm khởi đầu bị đánh giá thấp ấy, ông đã âm thầm tạo ra một cuộc lật ngược số phận ngoạn mục.
Hơn ba thập kỷ sau, Jensen Huang trở thành người đứng đầu Nvidia, công ty hiện nắm giữ những con chip mạnh mẽ và quan trọng nhất thế giới, trái tim vận hành của ChatGPT, AI và nhiều lĩnh vực công nghệ khác. Nvidia và đại diện là Jensen Huan hiện được xem là "kiến trúc sư thầm lặng" phía sau làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
Tại sự kiện ra mắt sách "Nvidia – Cỗ máy tư duy vĩ đại" (ngày 5/4), PV đã có cuộc trao đổi nhanh với nhà báo Stephen Witt, tác giả cuốn sách và TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế chiến lược Trung Quốc (CESS) xoay quanh tỷ phú Jensen Huang và Nvidia.

Đâu là bí quyết thành công của Nvidia và Jensen Huang?
-Đâu là bí quyết giúp Nvidia trở thành một tên tuổi lớn trong ngành phát triển công nghệ phần cứng?
Theo TS Phạm Sỹ Thành: "Tôi nghĩ rằng sự may mắn là rất quan trọng với Nvidia. Bởi theo như tác giả Stephen viết cũng như những gì chúng ta được biết về lịch sử của Nvidia, phần lớn hành trình của công ty này là ở trong hậu trường. Trong những năm gần đây họ mới bước ra bên ngoài. Nvidia được lợi rất lớn từ cả Chính phủ và giới công nghệ về làn sóng trí tuệ nhân tạo. Việc này không thể tách rời từ sự đầu tư cũng như là chú trọng của hai siêu cường về AI là Trung Quốc và Mỹ. Do đó, khi nhắc đến sự phát triển của Nvidia, chúng ta phải thừa nhận rằng họ rất gặp thời. Đây là yếu tố không thể xem nhẹ trong sự phát triển của bất cứ công ty nào".

Vị chuyên gia này cho biết, thực tế GPU không phải sản phẩm mới, nhưng nếu không có kiến trúc về Transformer, những phát triển đột phá về học sâu, học máy và đặc biệt là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) thì người ta sẽ không cần tới phần cứng đó để làm gì cả. Nvidia rất gặp thời ở chỗ khi những đột phá về công nghệ đó đòi hỏi về phần cứng, đồng thời có sự hỗ trợ, thúc đẩy và thậm chí là ganh đua của các Chính phủ, công ty này đột nhiên nhận được cơ hội để phát triển khổng lồ.
Nhà báo Stephen Witt có đề cập đến việc Nvidia từng suýt phá sản trong những năm đầu khởi nghiệp và Jensen Huang có một câu nói rất nổi tiếng. "Chúng ta chỉ còn sống được 30 ngày nữa thôi", Jensen Huang nói trong một ngày đến văn phòng của Nvidia. Điều có có nghĩa là trong thời gian đầu Nvidia từng rất khó khăn và hành trình của họ rất dài. Việc gặp thời là một trong những yếu tố giúp họ thành công.
Thứ hai, một trong những cái hay của Nvidia là cái thay đổi của họ trong cách tiếp cận sản xuất về xử lý vấn đề của phần cứng (chip). GPU là một minh chứng. Sau đó, Nvidia còn sản xuất phần mềm để sử dụng phần cứng tốt hơn, cho phép các lập trình viên, kỹ sư về bán dẫn có thể thao tác trên đó.
Thứ ba, một trong những tài sản được cho là quý nhất của Nvidia là họ thu hút được những người gọi là "Guru"ở trong việc viết các cấu trúc của bán dẫn và được nhiều người khắp nơi trên thế giới về làm việc với họ. Điều này cũng tạo nên khả năng cạnh tranh vượt trội của Nvidia so với những công ty khác.
Đồng quan điểm với TS Phạm Sỹ Thành, nhà báo Stephen Witt cho biết: "Tôi đồng ý với anh Thành. Đúng vậy, Nvidia đã may mắn. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần làm nên thành công của Nvidia. Bởi thành công còn dựa vào cách suy nghĩ của công ty này. Nvidia đã gặp thời khi AI xuất hiện. Nhưng họ là những người duy nhất tìm kiếm thứ gì đó như vậy".
"Điều thứ hai là sự kết nối với Đài Loan (Trung Quốc) và sản xuất chip. Nvidia đã hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ của Jensen Huang với Đài Loan, cũng như các nhà cung cấp tại đây, đặc biệt là TSMC. Tôi nghĩ việc Jensen là người gốc Đài Loan thực sự giúp ích cho Nvidia. Điều cuối cùng, tôi cũng đồng quan điểm với anh Thành. Rõ ràng Jensen Huang rất giỏi trong việc thu hút được những người tài năng đi theo ông ấy. Nhân lực luôn là yếu tố rất quan trọng đối với một doanh nghiệp và cũng quyết định xem doanh nghiệp đó có phát triển được hay không", Stephen Witt cho hay.
Tại sao Nvidia lại trở thành một công ty hàng đầu sản xuất chip cho AI?

Theo nhà báo Stephen, sở dĩ Nvidia trở thành công ty hàng đầu sản xuất chip cho AI một phần nhờ Jensen Huang đã xây dựng được một đội ngũ rất tuyệt vời. Các công ty khác rất khó cạnh tranh được với Nvidia vì họ có một team gồm những người luôn muốn tìm ra những giải pháp dành cho những công viêc phức tạp để giúp mọi người xử lý và giải quyết được chúng dễ dàng hơn. Họ cũng luôn muốn mình là người đầu tiên đưa ra được giải pháp đó.
Tiếp lời Stephen, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng đúng là một trong những đặc tính của dân công nghệ là luôn muốn "tôi là người đầu tiên phát minh ra một cái gì đó hay một giải pháp...". Thành công của Nvidia chính là thu hút được những nhân tài như thế. Để thu hút được những nhân tài như vậy cần có một yếu tố rất quan trọng, đó là môi trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của công ty đó bắt đầu như thế nào.
Jensen Huang là người độc nhất vô nhị
-Liệu một người quản lý công ty công nghệ có cần giỏi công nghệ không hay thiên về khả năng quản lý, dẫn dắt người tài?
Nhà báo Stephen Witt cho rằng Jensen Huang có cả hai thứ, đó là cực kỳ có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ và có khả năng quản lý đưa công ty của mình vươn lên dẫn đầu.
"Jensen Huang đã học về kỹ thuật điện tại ĐH Bang Oregon và sau đó là thạc sĩ về ngành này tại ĐH Stanford. Bản thân ông ấy là một kỹ sư tuyệt vời và cũng là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu không làm quản lý, ông ấy sẽ là một kỹ sư tuyệt vời. Đó là lý do rất khó để sao chép Jensen Huang hay bất kỳ ai điều hành Nvidia, bởi họ đều phải có chuyên môn kỹ thuật đẳng cấp thế giới. Điều này đã không có ở Intel hay AMD.
Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nhà lãnh đạo phải thực sự hiểu biết về công việc của mình. Và Jensen là người thực sự hiểu biết về công việc. Ông ấy nói chuyện như một kỹ sư, suy nghĩ như một kỹ sư, không phải như một doanh nhân. Jensen Huang quả thực là người độc nhất vô nhị. Chỉ một mình ông ấy làm được như vậy thôi", ông Stephen Witt chia sẻ.

"Nvidia – Cỗ máy tư duy vĩ đại" còn hé lộ cả những cuộc đấu nội bộ căng thẳng, những thời khắc suýt sụp đổ, và cả những lần NVIDIA lội ngược dòng nhờ vào sự kiên định với tầm nhìn dài hạn. Đây là thứ mà Jensen Huang chưa từng đánh mất, kể cả khi ông là người duy nhất còn tin vào con đường đó.
Nhà báo Stephen Witt chia sẻ: "Ban đầu tôi chỉ muốn viết cuốn sách dành cho những sinh viên công nghệ hoặc những ai yêu thích lĩnh vực này. Nhưng sau đó tôi muốn tất cả mọi người đều có thể đọc được cuốn sách này. Bởi trong cuộc sống ngày nay, AI đã thay đổi cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Bill Dally giám đốc khoa học của Nvidia từng nói rằng: "Nếu không có Jensen Huang và Nvidia thì có lẽ AI sẽ thụt lùi 10 năm và không phát triển được như bây giờ". Do đó, mọi người có thể đọc và nắm được nhiều thông tin cũng như bài học quý giá từ cuốn sách này".
Theo TS Phạm Sỹ Thành, "Nvidia – Cỗ máy tư duy vĩ đại" là một cuốn sách rất tốt để cho những ai muốn hiểu lịch sử phát triển của Nvidia, một trong những công ty công nghệ đang đóng vai trò nền tảng và thúc đẩy sự phát triển của một loại công nghệ mới mà chúng ta cho là của tương lai. Thông qua cuốn sách này, chúng ta có thể biết được trên thế giới và người Mỹ nhìn về Nvidia như thế nào, đồng thời nhìn nhận về các hoạt động của sản xuất chip và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam.
(Ảnh: MH/BTC)