Kết nối đầu tư để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ

Nguyên Trang - Dương Hùng | 06:57 30/07/2022

Chiều 29/7/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển”.

Kết nối đầu tư để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ
Ông Phạm Thu Phong – Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Đến tham dự diễn đàn có Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo nhiều sở, ngành các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đông Nam Bộ: TP.HCM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia TP.HCM...

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Phạm Thu Phong – Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, với nhiều hành động thiết thực và cụ thể.

Tăng cường xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

TS. Phạm Thu Phong cũng nhận định, Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước.

Đồng thời, tại diễn đàn các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà kinh doanh đã cùng thảo luận về: Xu hướng kinh tế xanh trong thời điểm hiện tại; bài toán đặt ra cho sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ; Giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng cầu nối đầu tư giữa “cung” và “cầu” gắn với phục hồi xanh; Các chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh...

PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, tăng trưởng xanh là tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường sống bền vững. Tuy nhiên, không phải chủ thể kinh tế nào khi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chú trọng tới yếu tố bảo vệ môi trường do chi phí cao. Không những thế, các dự án cho mục tiêu bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững không thu hút, hấp dẫn được nhà đầu tư do chi phí cao trong khi lợi nhuận thu được không nhiều.

hinh-222.png

Diễn đàn ghi nhận sự tham gia hưởng ứng và đánh giá cao từ phía các đại biểu tham dự, đặc biệt là các doanh nghiệp, các hội và hiệp hội doanh nghiệp.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh được đánh giá là chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là chiến lược định vị thương hiệu trong tương lai của doanh nghiệp, thông qua sản phẩm và dịch vụ hướng tới yếu tố tuần hoàn và bền vững.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, có bốn lý do cần “phục hồi xanh”: xuất phát mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa môi trường và sức khỏe (nhất là bối cảnh dịch bệnh gia tăng….); Việt Nam thuộc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học (tổn thất có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100); hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn nhiều: cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm (so với đầu tư năng lượng hóa thạch) và tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông cũng nhấn mạnh 5 lĩnh vực ưu tiên là: Nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; Phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; Chuyển đổi năng lượng sạch; Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn; Gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để đạt được kết quả ngoài các giải pháp về chính sách cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tà ichính xanh với chiến lược phát triển chung KT-XH.

Riêng đối với các địa phương khu vực Đông Nam bộ cần xây dựng và thực thi chương trình, kế hoạch tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong phạm vi, thẩm quyền; Lựa chọn 1 số lĩnh vực, dự án ưu tiên cụ thể và có lộ trình, giải pháp thực hiện rõ ràng, khả thi. Đồng thời, áp dụng 1 số chính sách khuyến khích và chế tài phù hợp; Xây dựng và thực thi “văn hóa xanh” (TP. Huế đang làm khá tốt); Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và xử lý rác thải, vấn đề cấp - thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…là rất thiết thực; Có phương án huy động nguồn lực, tài chính xanh khả thi, phù hợp.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong quá trình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kết nối đầu tư để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO