Theo đại diện của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các sự kiện chính trong Chương trình được tổ chức theo 2 hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến.
Từ điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải định hướng, để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình hợp tác thương mại.
Đáng chú ý là các chương trình bình ổn thị trường và chương trình kết nối cung cầu hàng hóa tại địa phương thông qua việc tập trung vào hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý đến định hướng mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua kênh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, gia dụng, các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối cung – cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử.
Tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung của Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu của chương trình và tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, mở rộng thị trường trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, yêu cầu Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu.
Kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động.
Duy trì và củng cố kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đồng thời, thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên các website, các sàn thương mại điển tử, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, hỗ trợ, hướng dẫn cho các Hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc…
Ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ, bao tiêu các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap. Định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.