Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15%, tương đương với hơn 2 triệu tỷ đồng đưa ra nền kinh tế, thì dư địa tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong những tuần cuối năm 2024 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn cuối năm tăng mạnh
Chỉ còn 3 tuần nữa là kết thúc năm 2024, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, ngành ngân hàng cũng như các doanh nghiệp đang “chạy nước rút”. Từ trước đó, các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng quốc doanh và ngân hàng nước ngoài, đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hút khách hàng, đồng thời điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay nhằm kích thích nền kinh tế.
Khảo sát trên thị trường trong tháng 11 tới nay đã có một nửa số ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó có nhiều ngân hàng nhỏ như SeABank, BaoViet Bank, GPBank, Nam A Bank, Viet A Bank, ABBank, VietBank… áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn cao nhất trên 6%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay ra của các ngân hàng cũng không mấy biến động. Đối với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng duy trì mức giảm lãi suất sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên.
Nhìn chung, mức lãi suất cho vay hiện nay đã xuống thấp hơn nhiều so với các năm trước, với lãi suất cho vay thế chấp chỉ còn từ 5,8% đến 6,5%. Các mức lãi suất phổ biến đã giảm từ 12-13% xuống còn 9,5-11%.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, giúp thúc đẩy nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế.
Đặc biệt, lãi suất cho vay của các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng nước ngoài vẫn duy trì mức cạnh tranh cao, khiến các ngân hàng tư nhân cũng phải điều chỉnh lại mức lãi suất của mình. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, mà còn hỗ trợ người dân trong việc vay mua nhà và tiêu dùng.
Lãi suất cho vay thấp là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và khôi phục đà tăng trưởng tín dụng trong các quý tiếp theo.
Các chuyên gia đánh giá, chính sách nới chỉ tiêu tín dụng của NHNN sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần.
Trước đó, trao đổi về cách thức phân bổ room tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Nếu như những năm trước đây, room tín dụng là cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu đạt chỉ tiêu. Năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng. Những ngân hàng nào không cho vay được thì sẽ bị điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác.
Tín dụng hồi phục mạnh mẽ
Theo dự báo từ các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ đạt mức 14% trong năm 2024, và có thể đạt 15% vào năm 2025. Đặc biệt, trong quý 3 và quý 4 năm 2024, tín dụng ngân hàng đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, với tín dụng cho vay doanh nghiệp tăng đáng kể, đặc biệt là các khoản vay phục vụ sản xuất và phát triển bất động sản.
Một số ngân hàng như Techcombank, HDBank, MBBank, MSB… ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Theo đó, Techcombank dẫn đầu thị trường với tốc độ tăng trưởng dư nợ cao nhất, trong đó tín dụng cá nhân tăng trưởng mạnh, đạt mức tăng 6% so với quý trước. Tại HDBank, tín dụng cho vay FDI tăng trưởng mạnh tới 56%, còn cho vay bất động sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng 5%. Tại MBBank tăng trưởng tín dụng đạt 13,5%.
Tại MSB, tín dụng riêng lẻ đã tăng 15,1% so với đầu năm, với trọng tâm vào các ngành chế biến sản xuất, xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ. MBBank quý 3/2024 tăng trưởng 13,5% so với năm 2023 - đây là mức tăng trưởng tín dụng tốt so với thị trường. Dư nợ cho vay khách hàng riêng ngân hàng tăng trưởng tốt, đạt 664.452 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2023, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghiệp phụ trợ.
Tín dụng cho vay bán lẻ cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong quý 3 năm 2024, sau một giai đoạn chậm chạp trong nửa đầu năm. Các đơn hàng xuất khẩu tiếp tục hồi phục, tạo ra nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong ngành chế biến xuất khẩu.
Trong giai đoạn cuối năm 2024, nhiều chính sách đáng chú ý có thể tác động đến tín dụng. Đó là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ; nâng gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực thủy sản và lâm sản từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng tiếp tục đăng ký thêm những gói tín dụng mới để cho vay mới và giảm lãi suất.
Dự báo về tăng trưởng tín dụng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn, lãi suất đã ở mức thấp nên khả năng từ nay đến cuối năm 2024, chính sách tiền tệ sẽ ổn định. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đánh giá, tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó khơi thông dòng vốn tín dụng. Cân bằng với lạm phát, tỷ giá và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều khả năng tín dụng ngân hàng sẽ có sự bứt phá mạnh, tăng trưởng đạt mục tiêu 14-15%...