HoREA đề xuất phạt 10% giá trúng đấu giá đất nếu bỏ cọc

Trịnh Hà | 23:36 08/03/2022

Không chỉ có doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc để “trục lợi” mà nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm cách “tối đa hóa lợi nhuận” sau các cuộc đấu giá.

HoREA đề xuất phạt 10% giá trúng đấu giá  đất nếu bỏ cọc
4 lô đất được đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đưa ra các đề xuất liên quan tới các cuộc đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều doanh nghiệp “té nước theo mưa” sau vụ đấu giá 

Ngày 10/12/2021, “Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản” thuộc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các cuộc đấu giá đất 4 lô đất 3.5; 3.8; 3.9; 3.12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với 4 doanh nghiệp trúng đấu giá, tổng mức giá trúng gấp hơn 7 lần giá khởi điểm.

Ngày 17/12/2021, tất cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đã ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với “Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản” và “Trung tâm phát triển quỹ đất” thành phố Hồ Chí Minh và số “tiền đặt trước” được chuyển thành “tiền đặt cọc” để bảo đảm thực hiện Hợp đồng.

anh-chup-man-hinh-2022-03-08-luc-20.29.24.png
Kết quả đấu giá 4 lô đất 3.5; 3.8; 3.9; 3.12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Nhưng sau đó, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh đã xin chấm dứt Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá lô đất 3.9 và lô đất 3.12 (chiếm đến 79,06% tổng giá trúng đấu giá), chịu mất “tiền đặt trước” (“tiền đặt cọc”). UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bỏ kết quả đấu giá lô đất 3.9 và lô đất 3.12.

Cho đến nay, chưa có thông tin về việc Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước theo Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, mà lẽ ra phải thanh toán 50% giá trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày và phải thanh toán 50% giá trúng đấu giá còn lại trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có Thông báo của Cục Thuế.

“Ngay sau các cuộc đấu giá đất, đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá 'ảo' để 'té nước theo mưa', thổi giá, đẩy giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương, hoặc để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu; hoặc nhằm 'đánh vống' giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay tín dụng mà nếu thực hiện 'trót lọt' thì có thể 'rút ruột' ngân hàng; hoặc để 'làm sạch' bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi”, báo cáo của HoREA nêu rõ.

Trên thực tế hiện nay, giá nhà đất tại nhiều khu vực đã bị đẩy lên mức giá rất cao, ví dụ như một dự án nhà ở tại thành phố Thủ Đức (quận 2 cũ) đang chào bán nhà phố có diện tích đất khoảng 95 m2 gồm trệt và 4 lầu với giá bán lên đến khoảng 38,1 tỷ đồng, trong đó đơn giá đất có thể lên đến khoảng 350 triệu đồng/m2.

Như vậy, không chỉ có doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc để “trục lợi” mà nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm cách “tối đa hóa lợi nhuận” sau các cuộc đấu giá trên đây.  

Đề xuất xử phạt nghiêm tình trạng bỏ cọc

Với tình trạng hiện tại, HoREA đã đưa ra những đề xuất nhằm chấn chỉnh bất cập trong các quy định hiện hành về đấu giá quyền sử dụng đất. 

Trong đó, đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (“đất công”) nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, Hiệp hội đề nghị áp dụng hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá”  hoặc hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp” 

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 70 và Điều 72 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định xử phạt nghiêm khắc đối với trường hợp người tham gia đấu giá (doanh nghiệp) đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc”, theo hướng xử phạt người “bỏ cọc” vừa bị mất “tiền đặt cọc”, vừa bị nộp phạt một khoản tiền đáng kể (đề xuất xem xét có thể mức nộp phạt khoảng 10% giá trúng đấu giá) để triệt tiêu lợi ích về mặt kinh tế, để có thể răn đe, ngăn chặn được hành vi người tham gia đấu giá (doanh nghiệp) đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc” như đã xảy ra vừa qua.

Đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước để kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá của “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” cấp tỉnh nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng “đấu giá cuội”, “đấu giá có quân xanh - quân đỏ”, ngăn ngừa hành vi “thông đồng” giữa các nhà đầu tư tham gia đấu giá, hoặc hành vi “thông đồng” giữa nhà đầu tư với người của cơ quan tổ chức đấu giá, hoặc hành vi “can thiệp” của phần tử xấu ngoài xã hội vào hoạt động đấu giá tài sản…

Lệch pha trầm trọng tại thị trường TP. Hồ Chí Minh

Báo cáo HoREA còn đánh giá, nhìn tổng quát, so với 20 năm trước đây, có thể đánh giá thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng tích cực là chủ đạo; quy mô thị trường bất động sản, nhà ở tăng gấp đôi trong thời gian khoảng trên dưới 15 năm; chất lượng đô thị, nhà ở được nâng lên rõ rệt với nhiều tiện ích, dịch vụ, cảnh quan môi trường và cũng là nơi thể hiện rõ nét nhất tác động của cơ chế thị trường. 

Nhưng, vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa thật sự minh bạch, chưa ổn định, chưa lành mạnh, chưa bền vững, chưa chuyên nghiệp, chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư.

Trong các năm gần đây, “thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất” Thành phố Hồ Chí Minh đã có biểu hiện “lệch pha cung - cầu, lệch pha phân khúc thị trường” và đã có dấu hiệu thừa cung trong phân khúc thị trường căn hộ bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), vừa rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội và cũng đã xuất hiện nhiều cơn sốt đất nhưng đã được xử lý kịp thời. 

Đáng quan ngại là từ năm 2020, căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà đã không còn căn hộ bình dân (0%), ngược lại có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm 73,98%, còn lại là nhà ở trung cấp, chiếm 26,02% tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội như Bộ Xây dựng đã báo cáo trong giai đoạn 2015-2020, cả nước đã thực hiện 248 dự án nhà ở xã hội với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020.  

“Sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ nhà, đất đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm 2022 cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các 'đầu nậu', 'cò đất, cò nhà', doanh nghiệp 'bất lương' để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản", HoREA cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
HoREA đề xuất phạt 10% giá trúng đấu giá đất nếu bỏ cọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO