Hơn 7.300 siêu thị Mỹ đóng cửa năm 2024: Cuộc đại khủng hoảng của ngành bán lẻ khi số cửa hàng ngừng hoạt động cao nhất 4 năm

Băng Băng | 15:20 03/01/2025

Chuyện gì đang diễn ra với ngành bán lẻ và các nhà hàng tại Mỹ?

Hơn 7.300 siêu thị Mỹ đóng cửa năm 2024: Cuộc đại khủng hoảng của ngành bán lẻ khi số cửa hàng ngừng hoạt động cao nhất 4 năm

Báo cáo của Coresight Research cho thấy hơn 7.300 siêu thị tại Mỹ đã phải đóng cửa trong năm 2024, tăng 57% so với năm 2023. Đây là số cửa hàng đóng cửa cao nhất kể từ năm 2020 khi đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Theo hãng tin CNN, đây được coi là một cuộc khủng hoảng mới chẳng khác gì đại dịch quay lại cho năm 2024.

Hàng loạt những cái tên đình đám tại Mỹ rời bỏ các trung tâm thương mại và đóng cửa các chi nhánh trên nhiều thành phố. Ví dụ Family Dollar đã đóng cửa 718 cửa hàng, chuỗi CVS và Walgreens đã đóng cửa hơn 1.000 chi nhánh, thương hiệu Big Lots đã đóng cửa gần 600 cửa hàng.

Thậm chí chuỗi LL Flooring đã biến mất mãi mãi và Party City thì đang trong quá trình thanh lý, còn Container Store đã nộp đơn xin phá sản và có thể buộc phải đóng cửa một số trong 100 cửa hàng của mình.

Ngay cả các nhà hàng, quán ăn, siêu thị còn hoạt động cũng thu hẹp quy mô so với trước đây. Những cái tên như Red Lobster và TGI Fridays đã nộp đơn xin phá sản trong khi Denny's và Applebee's công bố những đợt đóng cửa chi nhánh, giảm quy mô trên diện rộng.

Lỗi tại ai?

Theo CNN, dù có nhiều nguyên nhân nhưng lý do chính đến từ mức lạm phát cao nhất 40 năm và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Một số công ty thì mắc sai lầm chiến lược khi mở rộng quá mức hoặc đối mặt với thách thức từ thương mại điện tử (TMĐT).

"Những người tiêu dùng nhạy cảm về giá đang tìm kiếm lựa chọn rẻ hơn trên TMĐT. Họ đã mất kiên nhẫn với các cửa hàng bán lẻ truyền thống khó mua sắm khi thường xuyên hết hàng, dịch vụ kém cùng nhiều vấn đề khác", CEO Deborah Weinswig tại Coresight Research cho biết.

Phân tích của Coresight Research cho thấy thời kỳ tăng trưởng tốt năm 2020-2022 đã qua khi người tiêu dùng đã mua hết nhu cầu và khả năng những năm đầu hậu đại dịch, ví dụ như ghế sofa, tivi hay quần áo mới.

Trong khi đó các siêu thị lại tăng giá cao hơn mức người dân đủ sức chi trả vì lãi suất tăng vọt cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này thể hiện rõ khi những người vay tiền mua thế chấp ô hoặc nhà ở phải chi trả nhiều hơn.

Hậu quả là người tiêu dùng đã đạt đến điểm giới hạn và ngừng mua những mặt hàng mà họ không thực sự cần, gây tổn hại cho những nhà bán lẻ này.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các thương hiệu lớn như Amazon, Walmart, Costco, Home Depot và Temu cũng gây sức ép lên các chuỗi cửa hàng cỡ vừa như Family Dollar và Big Lots.

Những chuỗi bán lẻ lớn này có thể mua số lượng hàng lớn với mức chiết khấu cao hơn so với đối thù nhỏ, hơn nữa họ còn có thể đầu tư rất nhiều tiền vào công nghệ và cải thiện cửa hàng trong khi những chuỗi bé hơn không có đủ nguồn lực tài chính.

Hãng tin CNN thậm chí so sánh sự đóng cửa ồ ạt các siêu thị hiện nay ở Mỹ với thời kỳ trước đại dịch khi TMĐT tác động mạnh đến thị trường khiến hàng nghìn cửa hàng ngừng kinh doanh.

Doanh số bán hàng trực tuyến tăng từ khoảng 6% tổng doanh số bán lẻ năm 2014 lên 12% vào đầu năm 2020. Năm nay, bán lẻ trực tuyến chiếm khoảng 16% tổng doanh số.

Theo Coresight, trong năm 2017 và 2018, các nhà bán lẻ đã đóng cửa tổng cộng 13.400 cửa hàng. Chỉ riêng năm 2019, các chuỗi bán lẻ đã đóng cửa kỷ lục 9.800 chi nhánh. Hàng loạt cái tên như Payless, Gymboree, Charlotte Russe và Shopko đều đã nộp đơn xin phá sản trong năm đó.

Tiếp đó đại dịch Covid-19 vào năm 2020 tiếp tục khiến một số chuỗi cửa hàng yếu kém còn lại như Sears, JCPenney, Pier 1 và những chuỗi khác phải nộp đơn xin phá sản.

Trong năm 2020, khoảng 9.700 cửa hàng đã đóng cửa.

Hậu đại dịch, ngành bán lẻ có sự thúc đẩy năm 2021-2022 nhờ những khoản tiền hỗ trợ từ chính phủ và tâm lý "chi tiêu trả thủ" của người tiêu dùng háo hức mua sắm sau quãng thời gian dài cách ly.

Thế nhưng đây lại chỉ là đợt tăng nhỏ chứ không lâu dài. Các chuỗi bán lẻ lại lao đao lần nữa vì lãi suất tăng cao, lạm phát đi lên gây áp lực cho người tiêu dùng.

Kể cả khi giá cả hàng hóa dần bình ổn nhưng nhìn chung lạm phát vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2020.

Lãi suất tăng cao có nghĩa là mọi người phải trả nhiều tiền hơn cho ô tô, nhà cửa và thẻ tín dụng của họ mỗi tháng, do đó họ không còn nhiều tiền để chi cho những thứ khác ngay cả khi tiền lương của người Mỹ tăng cao hơn trong năm 2024.

Vật lộn

Theo CNN, chuỗi dịch vụ lưu kho Container Store là một ví dụ điển hình cho tình trạng khó khăn hiện nay. Công ty này bùng nổ vào năm 2021 khi người tiêu dùng mua sắm trả thù, thúc đẩy doanh số và lợi nhuận kỷ lục.

Thế nhưng lãi suất cao đã khiến Container Store chịu tổn thương khi người tiêu dùng săn hàng giảm giá, hạn chế mua sắm tùy ý và khiến dịch vụ của chuỗi này trở nên thừa thãi. Ngay cả những khách hàng cốt lõi trung thành của chuỗi cũng quay lưng tìm kiếm lựa chọn rẻ hơn.

Hậu quả là Container Store đã nộp đơn xin phá sản vài ngày trước Giáng sinh.

Tương tự các chuỗi cửa hàng giảm giá và hiệu thuốc cũng đang gặp khó khăn. Ví dụ Family Dollar đã gặp khó khi khách hàng chuyển sang Walmart để mua sản phẩm rẻ hơn. Big Lots đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 9/2024 và đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Công ty đã đạt được thỏa thuận vào phút chót để giữ nguyên 900 cửa hàng còn lại.

Một cái tên khác là "99 Cents Only" đã ngừng hoạt động vĩnh viễn và đóng cửa 371 cửa hàng.

Các chuỗi cửa hàng thuốc cũng đang thu hẹp. Báo cáo của Coresight cho thấy CVS, Walgreens và Rite Aid đã có tổng số lần công bố đóng cửa chi nhánh năm 2024 nhiều hơn tổng các năm trước cộng lại.

Những chuỗi này đã mở rộng quá mức trong những năm 1990 và 2000 để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và thu hút thêm khách hàng, nhưng họ không thể lường trước được mức độ khó khăn của thị trường.

Rõ ràng, tình hình thị trường bán lẻ tại Mỹ đang khó khăn trở lại kể từ hậu đại dịch Covid-19.

*Nguồn: CNN


(0) Bình luận
Hơn 7.300 siêu thị Mỹ đóng cửa năm 2024: Cuộc đại khủng hoảng của ngành bán lẻ khi số cửa hàng ngừng hoạt động cao nhất 4 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO