Thống kê từ FiinRatings cho thấy, trong tháng 9/2022, hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng 22 đợt phát hành, đạt quy mô là 10,2 nghìn tỷ VNĐ, giảm 40,2% so với tháng trước và chiếm 63% thị trường.
Trong tháng 9 hoạt động của tổ chức phát hành có sự sụt giảm rõ rệt so với tháng trước, trong đó lô trái phiếu có giá trị lớn nhất là 3 nghìn tỷ đồng thuộc về Vietinbank.
Theo FiinRatings, hoạt động phát hành sụt giảm do phần lớn các ngân hàng đã huy động đủ nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng tỷ lệ quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN (áp dụng từ ngày 01/10/2022), các lô trái phiếu tháng 9 được phát hành chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn trung và dài hạn để tiếp tục bổ sung phần vốn còn thiếu.
Đứng thứ hai về giá trị phát hành là ngành Bất động sản chiếm 18% tỉ trọng phát hành, tương đương tổng giá trị TPDN đạt 2,8 nghìn tỷ VNĐ và tăng 55,6% so với tháng trước. Các đơn vị phát hành bao gồm Công ty TNHH No Va Thảo Điền với lô trái phiếu 2,3 nghìn tỷ VNĐ và CTCP Đầu tư BĐS Sơn Kim với trái phiếu trị giá 500 tỷ VNĐ. Giá trị phát hành ghi nhận tăng trưởng so với tháng trước, song hoạt động phát hành của các doanh nghiêp Bất động sản vẫn duy trì trạng thái đình trệ dù quý 3 đã kết thúc.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác, theo thống kê của FiinRatings trong tháng 9 ghi nhận giá trị phát hành đứng thứ ba với 2 đợt đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tỉ trọng phát hành.
Cả 2 lô trái phiếu trong nhóm lĩnh vực khác đều thuộc về CTCP Tập đoàn Masan, có kỳ hạn 60 tháng với lãi suất 2 kỳ đầu tiên cố định 9,5%/năm, sau đó thả nổi theo lãi suất 3,975%/năm cộng lãi suất tham chiếu. Mục đích phát hành là để tái cấu trúc khoản vay, cụ thể là thanh toán gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm mạnh cả về số đợt phát hành cũng như giá trị trái phiếu phát hành, FiinRatings cho rằng đến từ việc thị trường chưa thể làm quen với các chính sách mới của Nghị định 65 vừa ban hành.
Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý nhà đầu tư trái phiếu hiện được cho là chưa thể cải thiện khi sự kiện trái phiếu Tân Hoàng Mình chưa qua thì lại đến Tập đoàn An Đông liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng việc VKC Holdings chậm trả lãi trái phiếu đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư hiện đang sở hữu trái phiếu cũng như nhu cầu đầu tư vào một kênh tài sản lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng này.
Thực tế cho thấy, trong tháng 9 đã có doanh nghiệp có kế hoạch phát hành nhưng đã phải hoãn lại do phương án phát hành chưa phù hợp với quy định của Nghị định 65 là trường hợp của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải hoãn lô trái phiếu 990 tỷ đồng.
Do đó, FiinRatings nhận định hiện nay các doanh nghiệp có sự cầm chừng trong hoạt động phát hành do Nghị định mới, đồng thời cũng tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi các quy định mới.
Xuất phát từ nhận định vẫn cần thời gian để có thể đánh giá toàn diện mức độ tác động của Nghị định 65 đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp các chuyên gia FiinRatings cho rằng kỳ vọng về một thị trường sơ cấp phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trở lại có thể phải đợi đến sang năm 2023.