Bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành
Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam” diễn ra chiều 9/5 tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin về tình hình phát hành trái phiếu đến hết tháng 4/2022.
Theo đó, đến hết tháng 4/2022, toàn thị trường phát hành 72.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 27.000 tỷ đồng, xếp thứ nhất (chiếm 37,3%), thứ hai là nhóm tổ chức tín dụng (chiếm 31,6%), xây dựng 17% (theo HNX, SSC).
Cụ thể, trước đó, kết thúc quý I/2022, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu (thống kê từ SSC và HNX), toàn thị trường có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng (chiếm 78,09% tổng giá trị phát hành) và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng (chiếm 21,91% tổng giá trị phát hành).
Đồng bộ giải pháp kiểm soát chất lượng trái phiếu
Nhận định về thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ thời gian qua, bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cho rằng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, thực tế thời gian qua cho thấy việc vận hành còn nhiều vấn đề bất cập.
Theo đó, bên cạnh quy mô huy động, việc kiểm soát sử dụng dòng tiền, lãi suất huy động, kiểm toán báo cáo tài chính, kênh phân phối bán hàng… còn có việc chưa đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Đặc biệt, sau sự kiện Ủy ban chứng khoán Nhà nước quyết định hủy 9 lô trái phiếu do Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành vừa qua.
Theo bà Hoàng Hải Anh, trước mắt, cần phải có giải pháp để bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư.
Với trái phiếu doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành có trái phiếu đến hạn trong thời gian tới. Tìm mọi biện pháp để có thể đảm bảo phương án trả nợ cho nhà đầu tư trái phiếu, không để tình trạng không thể trả nợ của bất cứ tổ chức phát hành nào xảy ra trong giai đoạn hiện nay.
Đối với giải pháp dài hạn, bà Hoàng Hải Anh cho rằng, để tránh việc đặt lãi suất cao nhằm huy động vốn sử dụng cho mục đích khác không phải đi vào phương án đầu tư kinh doanh đăng ký cần có sự thẩm định khả thi về mức lãi suất huy động tương ứng với phương án đầu tư kinh doanh đăng ký.
Bên cạnh đó, cũng cần có quy định kiểm soát mục đích sử dụng vốn sau khi huy động trái phiếu như đối với nguồn vốn vay ngân hàng.
Bổ sung thêm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh đến sự cần thiết của xếp hạng tín nhiệm và phải có giải pháp đẩy nhanh chất lượng xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.
“Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153, việc xếp hạng các doanh nghiệp được ghi là xếp hạng nếu có. Như vậy là Nhà nước ta đang coi nhẹ việc xếp hạng, trong khi đó việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thì việc xếp hạng các doanh nghiệp là rất quan trọng. Điều này ở các nước trên thế giới cũng rất được coi trọng”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.